Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33 và để cụ thể hóa nhiệm vụ thứ 6 (trong 6 nhiệm vụ) mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra, đồng thời giải quyết các nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Thực hiện Nghị quyết này là yêu cầu cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược lâu dài để góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành “Nơi cần đến và nơi đáng sống”. Đây là nhiệm vụ có tính ưu tiên của cả hệ thống chính trị, cần sự tham gia chủ động, tích cực của toàn xã hội.
Để thực hiện thành công Nghị quyết này không thể không kể đến vai trò của lực lượng thanh niên Quảng Ninh. Theo số liệu thống kê, thanh niên Quảng Ninh hiện nay có khoảng 400 nghìn người, chiếm 30% dân số và 50% lực lượng lao động toàn tỉnh. Đây là lực lượng lao động đông đảo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin. Khi nhắc tới thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” (Trích bản Di chúc năm 1969).. Chính vì vậy, thanh niên là một lực lượng có vai trò quan trọng, tiên phong trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Tỉnh.
Trong thời gian qua, thanh niên Quảng Ninh đã phát huy tốt vai trò trong việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh, tích cực, chủ động công tác tuyên truyền, vận động để đưa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Quảng Ninh nói riêng vào cuộc sống, đặc biệt, thực hiện giáo dục lý tưởng cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thanh niên. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên được triển khai theo phương châm xác định giá trị, tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, qua các tấm gương điển hình tiêu biểu. Triển khai có chiều sâu cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”; cuộc vận động “Mỗi ngày một việc tốt, mỗi tuần một việc tốt, mỗi tháng một việc tốt”,“Văn minh thanh lịch là nếp sống đẹp của thanh niên Quảng Ninh”; tổ chức Hội thi Người đẹp Hạ Long; triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”. Định kỳ tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; “Thi đua văn hóa công sở thông qua phong trào 4 xin – 4 luôn”; “Sinh viên 5 tốt”; “Học sinh 3 rèn luyện”; “Cháu ngoan Bác Hồ”; chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Quảng Ninh”; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình tiêu biểu… Ngoài ra, thanh niên Quảng Ninh còn phát huy vai trò trên mặt trận văn hóa, thực sự trở thành chiến sĩ văn hóa trong cuộc đấu tranh chống lại các sản phẩm xấu độc, lai căng làm phương hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông du nhập vào nước ta một cách tràn lan đã tác động không nhỏ đến thanh niên Quảng Ninh. Trong các hoạt động thường ngày, trong các mối quan hệ xã hội, văn hóa vẫn chưa thực sự trở thành nền tảng, thành chuẩn mực mà mọi người đều tuân theo. Cách ứng xử có văn hóa chưa thực sự thấm sâu vào thế hệ thanh niên, để tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Vì vậy, hiện nay chúng ta còn tồn tại rất nhiều hiện tượng xấu trong xã hội như: con cái vô lễ với ông bà, cha mẹ; tình trạng bạo lực học đường gia tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng; tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên có chiều hướng gia tăng; thanh niên ít quan tâm đến các loại hình văn nghệ truyền thống…
Văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững của Tỉnh. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật mà yếu tố ngày càng quan trọng và quyết định là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hóa, trong trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, lý tưởng, lối sống, ý chí, nghị lực, tài năng và sự thành thạo công việc của mỗi cá nhân. Xét đến cùng, tài nguyên quý nhất, cái vốn quý nhất, sức mạnh nội sinh của tỉnh ta chính là văn hóa, là con người, là nguồn lao động chất lượng cao, là nhân tài trong kinh tế tri thức, trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Tỉnh, cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, tri thức pháp luật… để khơi dậy và phát huy tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu quê hương, nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật trong mỗi thanh niên Quảng Ninh, tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội.
Thứ hai, giáo dục cho thanh niên và thế hệ trẻ Quảng Ninh nhận thức rõ ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, bởi chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng thì mới giúp thanh niên có những hành động đúng trong việc đề ra chương trình, kế hoạch hành động có hiệu quả nhất. Không chỉ có vậy, nó còn là cơ sở, động lực cho thanh niên tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để phát huy các giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân vùng mỏ, sự giao thoa của nền văn minh sông Hồng trong hình thành văn hóa và con người Quảng Ninh nhằm khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp, loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu để những giá trị đặc sắc đó trở thành nguồn lực, sức mạnh thúc đẩy sự phát triển.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để mỗi thanh niên luôn tự hoàn thiện mình, cải tiến và nâng cao hiệu suất công việc của bản thân. Chú trọng bồi dưỡng năng lực tự học, tự rèn luyện của cá nhân. Trước mắt, phát động rộng rãi trong toàn dân phong trào học nghề, giỏi một nghề, biết nhiều nghề; thành thạo công nghệ thông tin và biết sử dụng ngoại ngữ để có đủ năng lực và bản lĩnh công dân toàn cầu trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Xây dựng thế hệ thanh niên Quảng Ninh phát triển toàn diện về mọi mặt:
- Về đạo đức, lối sống: Có các phẩm chất cần, kiệm, ngay thẳng, trung thực, nhân nghĩa, khiêm tốn trong ứng xử; có lương tâm nghề nghiệp; coi trọng giá trị lao động và khích lệ, ủng hộ sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm cho xã hội; có tác phong quần chúng - dân chủ - khoa học - kỷ luật - đồng tâm; hiểu biết và thực thi nghiêm quy định của pháp luật, quy ước của cộng đồng. Có lối suy nghĩ tích cực, hành động đẹp; yêu thương, tôn trọng con người trong mỗi hoạt động sống; biết quan tâm, sẻ chia với cộng đồng và những người xung quanh, đồng thời tôn trọng quyền tự do cá nhân với phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; có ý thức tự giác, văn minh trong bảo vệ môi trường sống, trong tham gia giao thông và trong sử dụng các dịch vụ công cộng.
- Về lý tưởng, trách nhiệm: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, tự hào về quê hương Quảng Ninh, có ý thức giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; có ý chí vươn lên trong cuộc sống; có ước mơ, hoài bão, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có ý thức tự trọng, tự chủ, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, với gia đình và bản thân.
- Về trí tuệ, năng lực sáng tạo: Có tri thức, trình độ chuyên môn cao, có năng lực sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn; có năng lực thu thập và xử lý thông tin trong điều kiện bùng nổ thông tin; có sự năng động, khả năng thích nghi nhanh và làm chủ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
- Về thẩm mỹ: Có khả năng thưởng thức và sáng tạo ra cái đẹp; biết khẳng định, tôn vinh cái đẹp, cái đúng, tích cực, biết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, tiêu cực.
- Về thể chất: Người dân được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Thứ tư, xây dựng văn hóa trong gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, văn hóa, giáo dục nếp sống cho con người. Nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà cha mẹ mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo. Xây dựng trường học là trung tâm giáo dục tri thức, ý thức tuân thủ pháp luật, văn hóa truyền thống, thể chất, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, giáo dục phẩm chất trung thực, đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, rèn luyện lý tưởng, khát vọng, hoài bão cho thế hệ trẻ; thầy cô giáo thực sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống để học sinh, sinh viên, học viên noi theo.
Thứ năm, thanh niên phải tích cực đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Hiện nay chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa và chúng coi đây là mũi nhọn xung kích làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng của thanh niên. Những biểu hiện xấu của văn hóa phương Tây với lối sống thực dụng, sống chỉ có biết hôm nay, không biết đến có ngày mai; những hành vi đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc; sự thích thú những bộ phim nước ngoài với những cảnh phản cảm và nhiều tệ nạn trong thanh niên hiện nay chính là những phản văn hóa, những việc làm và hành động tác động rất mạnh đến tâm lý của thanh niên. Sự tác động xấu đó dễ làm cho một bộ phận thanh niên chúng ta quay lưng lại với lịch sử dân tộc, với phong tục tâp quán của con người Việt Nam, với văn hóa Việt Nam. Thanh niên là những người hàng ngày hàng giờ phải đối mặt, phải tiếp xúc với văn hóa đó nhiều nhất cho nên phải chủ động kế thừa những cái tiến bộ và lọc bỏ những cái không phù hợp, đi ngược lại với văn hóa của dân tộc. Thanh niên phải nhận thức rõ văn hóa Việt Nam là thành quả của sự kết tinh văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới, phải trang bị cho mình một hệ thống tri thức vững vàng, đầy đủ để không bị động bất ngờ, thường xuyên tìm hiểu văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới để tạo hành trang tri thức, góp phần xây dựng đất nước.
Trong những năm tiếp theo, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh là phát triển kinh tế xanh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ dựa chủ yếu vào yếu tố phát triển chưa bền vững sang phát triển bền vững. Phát triển bền vững đặt ra một vấn đề bức thiết đối với tỉnh Quảng Ninh: đó là phải giải quyết được một cách triệt để những hạn chế về văn hóa, con người, đồng thời vươn tới những chuẩn mực mới nhằm đáp ứng được yêu cầu của tiến trình phát triển bền vững trong tương lai. Cần phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong thời gian tới./.
Đàm Thị Thư , GV Khoa lý luận cơ sở