1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh – người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915 tại vùng đất Hưng Yên giàu truyền thống yêu nước. Từ năm 14 tuổi, đồng chí đã tham gia phong cách mạng. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Sau khi được trả tự do (1936), đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và nhanh chóng đảm nhận nhiều trọng trách là Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1936), Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1950-1953), Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (1957-1960, 1972). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo nhiều phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang, góp phần làm thất bại các âm mưu của thực dân và đế quốc. Đặc biệt, đồng chí trực tiếp chỉ đạo các trận đánh then chốt như Chiến thắng Tua Hai (1960) và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đồng chí luôn chú trọng củng cố lực lượng vũ trang, bán vũ trang, du kích, đồng thời đẩy mạnh công tác dân vận, địch vận, chăm lo đời sống nhân dân. Những nỗ lực này đã giúp bảo toàn lực lượng cách mạng trong những giai đoạn khó khăn nhất, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975).
2. Tinh thần đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh
Từ những năm làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (1976-1981, 1981-1986), đồng chí đã sáng tạo nhiều giải pháp để ổn định kinh tế, phát triển sản xuất, và chăm lo đời sống nhân dân trong bối cảnh thành phố vừa chuyển từ nền kinh tế thị trường tự do sang kinh tế xã hội chủ nghĩa. Những kinh nghiệm đó sau này đã được đồng chí vận dụng khi đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư.
Đến giai đoạn 1986 – 1991, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích tối cao của dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng và lãnh đạo Đảng ta, Nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới mang tính bước ngoặt, góp phần đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội. Những đóng góp của đồng chí trong giai đoạn này bao gồm:
Đổi mới tư duy kinh tế: Đồng chí chủ trương chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo bước đột phá giải phóng sức sản xuất, ổn định kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Đổi mới hệ thống chính trị: Đồng chí nhấn mạnh việc cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng, và nâng cao hiệu quả quản lý. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VI) về đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, và nâng cao chất lượng cán bộ.
Đấu tranh chống tiêu cực: Với bút danh N.V.L, đồng chí đã viết loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân, thẳng thắn phê phán các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy chính quyền. Những bài viết này không chỉ tạo luồng sinh khí mới mà còn khơi dậy tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.
Mở rộng quan hệ đối ngoại: Đồng chí chủ trương đưa Việt Nam hội nhập quốc tế, phá thế bao vây cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia. Chính sách này đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Với những đóng góp to lớn này, đồng chí được coi là "Kiến trúc sư” của công cuộc Đổi mới đất nước.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh còn là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn quán triệt tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Suốt cuộc đời, đồng chí sống giản dị, gần gũi nhân dân, đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết. Tinh thần kiên định, sáng tạo và gần gũi nhân dân của đồng chí là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo.
3. Nguồn cảm hứng cho việc tiến hành “Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy”
Công cuộc đổi mới do đồng chí Nguyễn Văn Linh khởi xướng là minh chứng cho sức mạnh của tư duy bám sát thực tiễn, sáng tạo và kiên định. Ngày nay, tinh thần này tiếp tục được phát huy trong “Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy” tạo bước chuyển căn bản về mô hình quản trị đất nước trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một là: Tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo công cuộc đổi mới trong bối cảnh đất nước đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội và sự bao vây cấm vận quốc tế. Với tư duy đột phá và ý chí kiên định, đồng chí đã đưa ra những quyết sách táo bạo như xóa bỏ cơ chế bao cấp, khuyến khích kinh tế thị trường và cải cách bộ máy chính trị. Tinh thần này là kim chỉ nam cho công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay, khi đất nước đang đối mặt với thách thức về bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng và hiệu quả quản lý chưa cao.
Để đạt mục tiêu tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, xây dựng chính quyền hai cấp và số hóa quản lý, công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay cần phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm và kiên định vượt qua các rào cản về lợi ích nhóm, tư duy bảo thủ như cách đồng chí Nguyễn Văn Linh đã làm trong những năm đầu đổi mới.
Hai là: Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng
Loạt bài “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với quan liêu, tham nhũng và lãng phí. Đồng chí nhấn mạnh rằng, để đổi mới thành công phải làm trong sạch bộ máy, nâng cao đạo đức công vụ và củng cố niềm tin của nhân dân. Bài học này đặc biệt phù hợp với công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay. Đảng ta xác định chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ then chốt để xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ là giảm biên chế hay sáp nhập đơn vị hành chính mà còn là cơ hội để loại bỏ những biểu hiện tiêu cực, nâng cao chất lượng cán bộ. Các cấp ủy, chính quyền cần học tập tinh thần thẳng thắn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, công khai minh bạch trong quản lý và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Ba là: Bám sát thực tiễn và lấy nhân dân làm trung tâm
Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nhấn mạnh rằng mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lợi ích của nhân dân. Khi là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe ý kiến người dân để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Tinh thần này là bài học quan trọng cho công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay. Bộ máy chính quyền phải gần dân, sát dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Để thực hiện điều này, cần học tập cách tiếp cận của đồng chí Nguyễn Văn Linh: lấy nhân dân làm trung tâm, coi sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả của bộ máy. Các cấp lãnh đạo cần tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân và điều chỉnh mô hình tổ chức để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch, và phục vụ tốt hơn.
Bốn là: Xây dựng đội ngũ cán bộ liêm, chính, sáng tạo
Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực và tinh thần sáng tạo. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đồng thời khuyến khích họ đổi mới tư duy, dám chịu trách nhiệm. Bài học này mang tính thời sự trong bối cảnh hiện nay, khi công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy đòi hỏi đội ngũ cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải liêm, chính, tận tụy và sẵn sàng đổi mới.
Để thực hiện thành công công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay, cần đẩy mạnh công tác cán bộ, lựa chọn những người có năng lực, đạo đức vào các vị trí lãnh đạo, đồng thời loại bỏ những cán bộ yếu kém, tiêu cực. Các cấp ủy cần học tập tinh thần của đồng chí Nguyễn Văn Linh, tạo môi trường để cán bộ trẻ, có tư duy đổi mới phát huy năng lực, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung cao độ thực hiện “Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy”, những tư tưởng đổi mới và tinh thần hành động quyết liệt của đồng chí sẽ là nguồn cảm hứng, động lực to lớn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng và phát triển./.
ThS Hoàng Thị Thu Hiền - Khoa Xây dựng Đảng