PGS.TS Hoàng Văn Hoan, Phó Vụ trưởng, Vụ Các trường Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Dự chương trình có PGS.TS Hoàng Văn Hoan, Phó Vụ trưởng, Vụ Các trường Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh (Đơn vị Cụm trưởng); đồng chí Phạm Sỹ Hùng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hà Giang (Đơn vị Cụm phó thường trực); đồng chí Nguyễn Đức Quý, Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn (Đơn vị Cụm phó); lãnh đạo sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh; các đồng chí Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm của các trường chính trị trong cụm; lãnh đạo các phòng chuyên môn của Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện học viên các lớp.
Đồng chí Phạm Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng
Tại Tọa đàm “Xây dựng văn hóa trường Đảng ở trường chính trị”, phát biểu đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hoàng Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Văn hóa trường Đảng là hệ thống giá trị phản ánh trình độ tư duy lý luận chính trị khoa học, cách mạng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, cùng với các giá trị về văn hóa ứng xử, có vai trò trong công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cấu trúc của văn hóa trường Đảng được xem xét trên các phương diện: hệ thống các giá trị, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động...Văn hoá trường Đảng không chỉ có vai trò trong điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, giảng viên, người lao động và học viên mà còn góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển tổ chức, đơn vị; văn hóa trường Đảng có vai trò quan trọng, góp phần định hướng hoạt động của hệ thống trường Đảng, liên kết các cá nhân, tập thể trong hệ thống tạo sự đồng bộ. Đồng thời văn hóa trường Đảng góp phần nâng cao hiệu quả công việc của hệ thống trường Đảng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Việc xây dựng văn hóa trường Đảng là một trong những nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó, việc nâng cao nhận thức và giáo dục văn hóa trường Đảng, lối sống chấp hành pháp luật, quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống trường Đảng hiện nay là rất cần thiết. Muốn có một trường Đảng văn minh thì trước tiên cần có đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, học viên văn minh, ứng xử đúng theo những chuẩn mực đề ra. Đặc biệt, với sự quan tâm xây dựng văn hóa Đảng trong hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến địa phương, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về Trường Chính trị chuẩn, gồm 6 nội dung, trong đó coi trọng việc xây dựng tiêu chí văn hóa trường Đảng kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Đồng chí Nguyễn Hoàn Hưng, Phó Hiệu trưởng trường chính trị tỉnh Hà Giang trình bày báo cáo đề dẫn Tọa đàm
Ban Tổ chức chương trình đã nhận được 16 bài viết, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các trường trong Cụm thi đua. Các tham luận đã tập trung chia sẻ, những kết quả, kinh nghiệm và những nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện văn hóa trường Đảng tại các trường trên cơ sở bám sát Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian qua theo các nhóm vấn đề về: (1) Vai trò xây dựng văn hóa trường Đảng; (2) làm rõ thêm những nội dung “1 trung thành, 3 sáng tạo, 5 cống hiến” trong thực tiễn xây dưng văn hóa trường Đảng tại các trường. (3) Nhóm giải pháp đảm bảo thể chế, nguồn lực xây dựng văn hóa trường Đảng; (4) Nhóm giải pháp đảm bảo nguồn lực xây dựng văn hóa trường Đảng; (5) Nhóm giải pháp đảm bảo xây dựng văn hoá trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương tại Trường Chính trị. Cũng tại chương trình Tọa đàm, các đại biểu đã tiếp tục phát biểu, thảo luận làm rõ thêm các vấn đề như:
- Việc triển khai, cụ thể các phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức trường Đảng “1 trung thành, 3 sáng tạo, 5 cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị” tại các trường trong thời gian tới.
- Kinh nghiệm, cách thức triển khai và việc cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa ứng xử theo Kế hoạch số 341-KH/HVCTQG ngày 20/8/2021 tại các trường
- Những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các giải pháp triển khai các nội dung xây dựng văn hóa trường nhằm đảm bảo tiêu chí xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 2 trong thời gian tới.
- Các giải pháp triển khai huy động các nguồn lực để xây dựng văn hóa trường Đảng và những đề xuất, kiến nghị
Đối với Tọa đàm về “Thực hiện tự chủ tài chính tại các trường chính trị - Thực trạng và giải pháp”.
Đồng chí Hứa Tân Hưng, Hiệu trưởng trường chính trị tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Đoàn chủ tọa chương Tọa đàm đồng chí Phạm Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh trình bày Báo cáo đề dẫn Tọa đàm, báo cáo nhấn mạnh: Trường chính trị cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy. Trường có nhiệm vụ tuyên truyền và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, có kiến thức, có kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời Trường chính trị cũng được giao nhiệm vụ tham gia tổng kết thực tiễn ở đại phương.
Theo Quy định số 09-QĐ/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư, kinh phí của trường chính trị cấp tỉnh do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2021 đến nay các trường chính trị trong cụm đang được giao thực hiện định mức tự chủ đối với chi thường xuyên trong khoảng từ 10% đến 40% và cách giao tự chủ giữa các trường cũng có những điểm khác nhau.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập là phù hợp với chủ trương, định hướng theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành. Qua đó, nâng cao tính tự chủ, tạo không gian để các đơn vị phát huy tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao đời sống cho người lao động và góp phần giảm gánh nặng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, xét về nhiệm vụ thì trường chính trị cấp tỉnh trong Cụm đang căn bản thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch được cấp ủy giao (bao gồm cả đào tạo và các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn), đối tượng tham gia học được giới hạn theo các quy định vì vậy có những điểm khác căn bản so với các trường so với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề theo nhu cầu xã hội. Từ thực tiễn cho thấy hoạt động nói chung và của trường hoạt động tài chính ở các trường Chính trị hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về hệ thống quy định chưa thực sự đầy đủ và thống nhất, còn có những điểm nghẽn, bất cập khi thực hiện cơ chế tự chủ…
Tại chương trình Tọa đàm, các ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ thêm các vấn đề như: (1) Chia sẻ thêm những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường trong thời gian vừa qua. (2) Làm rõ thêm về quan điểm, định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập và thực tiễn triển khai, thực hiện tại trường chính trị cấp tỉnh. Những nhân tố tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện tự chủ tài chính tại trường chính trị cấp tỉnh và những vấn đề đặt ra hiện nay. (3) Việc thực hiện tự chủ tài chính gắn với xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng - Thực trạng và giải pháp.(4) Những đề xuất, kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện tự chủ về tài chính tại trường chính trị. Cũng trong chương trình, các đại biểu đã được nghe đồng chí Hà Thị Thanh Lê, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh chia sẻ và làm rõ thêm một số điểm quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính và tư vấn thêm những vấn đền về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với trường chính trị cấp tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình tọa đàm, PGS.TS Hoàng Văn Hoan, Phó Vụ trưởng, Vụ Các trường Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận những nỗ lực của các trường trong việc chuẩn bị và tổ chức chương trình Tọa đàm, đồng chí nhấn mạnh đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với hoạt động của các trường trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí nhấn mạnh muốn là tốt việc xây dựng văn hóa trường Đảng cần tiếp tục làm tốt việc giữ vững bản chất trường Đảng, thể hiện là: Trường phải là nơi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; phải xây dựng trường mang đậm tính Đảng, tính khoa học, lý luận sắc bén, có sự sáng tạo và tính thực tiễn. Đồng chí cũng đề nghị, thông qua tọa đàm Cụm cần có báo cáo, đánh giá và đề xuất cụ thể với lãnh đạo Học viện về những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là cơ chế hoạt động để Học viện nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc chương trình đồng chí Phạm Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với các trường trong thời gian qua; cám ơn sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cảu các trường trong công tác chuẩn bị và tham gia thảo luận tại các tọa đàm. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Học viện trong thời gian tới, đặc biệt là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các trường chính trị trong thời gian tới.
Phạm Xuân Kính