ThS. Phạm Hữu Kiên
Phó Hiệu trưởng
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, được xác định là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, trước những khó khăn, thách thức mới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang được Đảng ta đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Vì lẽ đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đưa xây dựng Đảng về đạo đức trở thành vấn đề có vai trò hết sức quan trọng, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức tạo nên sức mạnh, uy tín, vị thế, vai trò của Đảng. Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức sẽ góp phần hết sức quan trọng trong việc củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần xây dựng Đảng thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đề cao xây dựng Đảng về đạo đức - bài học có ý nghĩa chiến lược của Đảng
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước bối cảnh khủng hoảng về đường lối, cách mạng Việt Nam như trong đêm tối không có đường ra, ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra thời kì mới, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, như Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định, đó là: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Giành được những thắng lợi to lớn trên đây là do trong quá trình lãnh đạo, tuyên truyền, vận động quần chúng, Đảng ta luôn giữ vững bản chất cách mạng, luôn sẵn sàng hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách vì lợi ích của giai cấp, dân tộc. Sự “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, bản lĩnh dám hy sinh của các thế hệ cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên những giá trị “đạo đức” và “văn minh” của Đảng như Hồ Chí Minh đã khẳng định. Những giá trị đó chính là yếu tố tạo nên sức mạnh thu hút, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là bài học có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.
Những nỗ lực, cố gắng và hiệu quả mang lại
Để “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, giữ vững vai trò lãnh đạo, những năm qua, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, nghị quyết và triển khai rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, đã triển khai quyết liệt việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm, tham nhũng, lãng phí. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã có trên 50 nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Đối với Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, quán triệt các quan điểm của Đảng, với tinh thần nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, nổi bật là: (1) Đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về “Một số nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” . (2) Ban hành, triển khai đồng bộ các nghị quyết, quy định nhằm tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, như: Nghị quyết số 10 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới; Quy định 04 - QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, ''tự diễn biến'', ''tự chuyển hóa'' đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 06 - QĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quyết định số 1901-QĐ/TU quy định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh... (3) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ các cấp. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh cử đi đào tạo, bồi dưỡng 70.148 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, đào tạo cao cấp lý luận chính trị trên 900 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị - hành chính 62 lớp/5.248 đồng chí; cập nhật kiến thức cán bộ đương chức, dự nguồn Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 09 lớp/476 đồng chí; bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cơ sở và cấp phòng 42 lớp/2.757 đồng chí; bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp 52 lớp/5.098 đồng chí; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước 108 lớp/8.868 đồng chí; cấp huyện tổ chức trên 2.000 lớp bồi dưỡng/ gần 220 nghìn lượt cán bộ, đảng viên... (4) Đồng bộ hóa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Riêng trong năm 2019, đã triển khai 44 cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra ở cấp tỉnh; 457 cuộc ở cấp huyện... Làm tốt công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, xử lý kỷ luật là 450 cán bộ, đảng viên, 08 tổ chức đảng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5,7 tỷ đồng; kiến nghị khác 12,1 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 81 tập thể, 50 cá nhân. Triển khai thanh tra trách nhiệm 24 cuộc đối với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tại 50 đơn vị, qua đó kiến nghị khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế. (5) Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng...
Những quyết tâm chính trị nêu trên đã góp phần hết sức quan trọng vào bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, từ đó, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt tỉnh Quảng Ninh. Tốc độ tăng trưởng GRDP từ năm 2016 đến nay luôn đạt trên 10%/năm (trong đó, năm 2019 đạt 12,01% cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 6.135 USD/ người/năm (gấp hơn hai lần so với cả nước). Thế và lực của tỉnh Quảng Ninh sau 35 năm đổi mới, nhất là trong những năm gần đây càng khẳng định rõ vai trò là một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng không ngừng được củng cố, nâng cao.
Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng Đảng về đạo đức – giải pháp củng cố và giữ vững “niềm tin”
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Để khắc phục tình trạng trên đây, góp phần không ngừng củng cố, giữ vững, thúc đẩy “tăng trưởng” và nâng cao “chỉ số” niềm tin của nhân dân đối với Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là: Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng Đảng về đạo đức. Điều đó có nghĩa mỗi cấp ủy, đảng bộ, chi bộ và từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, quan tâm cụ thể hơn nữa để nâng cao đạo đức, văn hóa trong Đảng, xây dựng “cái gốc” của người cách mạng một cách vững chắc. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hình thành cho được trong cán bộ, đảng viên những chuẩn mực đạo đức mới như: (1) Tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; (2) Thực sự cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; (3) Không quan liêu, xa rời quần chúng, khiêm tốn, giản dị, giữ gìn lối sống trong sạch, đề cao các giá trị văn hóa, nhân văn; (4) Đề cao tính trung thực, tình thương yêu đồng chí, sống nhân ái, nghĩa tình; (5) Nhấn mạnh sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trên mọi lĩnh vực công tác, sinh hoạt…
Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước với công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát việc rèn luyện, tu dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, tu dưỡng tính Đảng; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đảm bảo tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật. Quan tâm hơn nữa việc củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thực sự biết dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, từ đó không ngừng giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.