Chương trình nghiên cứu thực tế do Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tổ chức với 79 học viên là cán bộ của thành phố Hạ Long đang theo học lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung C291. Đoàn do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở làm Trưởng Đoàn; các đồng chí là chủ nghiệm lớp, đồng chủ nhiệm lớp và 3 giảng viên đại diện cho 3 khoa chuyên môn cùng 79 đồng chí học viên. Địa điểm đến tham quan, học tập là Khu di tích lịch sử K9 Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.
Khu di tích K9 là vùng đất thiêng liêng, nơi đang lưu giữ một kho di sản vô giá về những tài liệu, hiện vật liên quan cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt của khu du tích K9 mà không nơi nào có được đó là đây vừa là nơi làm việc của Người vừa là nơi bảo quản gìn giữ thi hài của Người trong những năm chiến tranh khốc liệt từ năm 1969 đến năm 1975.
Đoàn tổ chức dâng hương Bác Hồ tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh K9
Điều rất may mắn và vinh dự cho Đoàn khi đến học tập tại Khu K9 là được Thượng tá Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng Ban công tác chính trị của Khu di tích K9 chia sẻ về quá trình hình thành khu K9 từ khi Bác Hồ thăm Đá Chông lần đầu tiên vào năm 1957 cho đến ngày nay.
Thượng tá Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng Ban công tác chính trị của Khu di tích K9 chia sẻ thông tin với Đoàn
Trong chiến tranh, Bác Hồ về làm việc và ở tại Đá Chông 9 lần. Ðặc biệt, tháng 5/1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có ba mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Sáng 23/2/1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Ðá Chông và quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Công trình được chuẩn bị từ tháng 6/1959, đến tháng 9/1959 tiến hành khởi công xây dựng.
Năm 1961, Bác đã tiếp vị khách quốc tế đầu tiên tại K9 là bà Ðặng Dĩnh Siêu, Phu nhân của Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa-Chu Ân Lai và Ðại sứ Trung Quốc Hà Vĩ. Năm 1962, Bác Hồ đón tiếp vị khách quốc tế thứ hai là Anh hùng vũ trụ Liên Xô German Titov (Giéc-man Ti-tốp).
Đoàn nghe thuyết minh về Ngôi nhà 2 tầng tại K9 là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Hồ Chủ tịch và các cuộc họp quan trọng của Trung ương
Ngày 2/9/1969, Bác đã đi xa. Trong giai đoạn 1969-1975, khi đất nước còn có chiến tranh ác liệt, Bộ Chính trị đã quyết định chọn Khu căn cứ K9-Ðá Chông, là nơi bảo vệ gìn giữ thi hài Bác. Ngày 18/7/1975, thi hài Bác được di chuyển về công trình Lăng của Người tại Ba Ðình và Khu K9 trở thành nơi dự phòng. Ðầu năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ðỗ Mười, sau khi báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức đón tiếp, phục vụ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể Trung ương, địa phương trong cả nước đến tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu K9.
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại nhà xe - nơi lưu giữ những chiếc xe từng trực tiếp tham gia di chuyển thi hài Bác
Chuyến đi nghiên cứu thực tế tại Khu di tích lịch sử K9 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mỗi cán bộ, giảng viên, học viên. Mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc riêng nhưng hơn hết là lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, dân tộc. Chuyến thăm khu K9 là một chuyến về Nguồn để mỗi người hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử hào hùng, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, với các đồng chí học viên đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và dự nguồn, sau chuyến đi càng ý thức hơn về trách nhiệm nêu gương của mình tại cơ quan, đơn vị trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên mỗi cương vị công tác, mỗi đồng chí không ngừng phấn đấu hoàn tốt các nhiệm vụ được giao. Chuyến đi cũng là cơ hội để các đồng chí học viên kết nối các kiến thức đã học với thực tiễn, đảm bảo đúng phương châm trong học tập lý luận chính trị “lý luận gắn liền với thực tiễn”
ThS Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng