
TS. Đỗ Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng phát biểu tại Hội thảo
1. Tình hình và kết quả giai đoạn 2020 - 2025
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ luôn quán triệt trong cán bộ, giảng viên nắm vững các quan điểm, định hướng của Đảng về công tác tổng kết lý luận, nghiên cứu thực tiễn. Đặc biệt, xác định rõ mục đích của hoạt động này theo Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 8/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là: (1) Góp phần làm rõ, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; (2) Cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (3) Bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường nhiệm kỳ 2020-2025 quan điểm: Đẩy mạnh, đưa hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành phong trào thi đua sôi nổi cán bộ, giảng viên, nhân viên. Trên cơ sở đó, Đảng ủy cụ thể hóa, ban hành nghị quyết chuyên đề số 76-NQ/ĐU ngày 26/10/2020 về “Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2020- 2025”. Tại Nghị quyết này, Đảng ủy xác định rõ: Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học là đầu tư cho sự phát triển bền vững của Nhà trường và trực tiếp tác động nâng cao chất lượng giảng dạy...Vì vậy phải ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tại Đề án xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn giai đoạn 2022- 2027 và định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy Quảng Ninh , trong đó xác định: Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với tổng kết thực tiễn theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả; triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học và tống kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy cũng như quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị của Tỉnh trong từng giai đoạn; coi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giai đoạn 2020-2025 Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã cử 369 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, đào tạo Tiến sỹ 9 đồng chí; đào tạo thạc sỹ 5 đồng chí; đào tạo văn bằng 2 đại học 5 đồng chí; đào tạo ngoại ngữ 5 đồng chí; đào tạo cao cấp lý luận chính trị 5 đồng chí; đào tạo trung cấp lý luận chính trị 8 đồng chí; bồi dưỡng theo chức danh và theo ngạch 51 lượt; bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh 38 đồng chí; bồi dưỡng khác 242 lượt. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn mức 1, và đang tiệm cận đến chuẩn 2, qua đó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trong tình hình mới trở thành lực lượng tiên phong, nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Đã triển khai nghiên cứu 04 đề tài NCKH cấp tỉnh và 03 đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt; 29 đề tài khoa học cấp trường. Tổ chức thành công 09 hội thảo, tọa đàm cấp tỉnh, cấp cụm; 17 hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường. Xuất bản 18 số bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn với 466 bài viết; 13 cuốn sách tham khảo, chuyên khảo, kỷ yếu khoa học; 04 Tài liệu bồi dưỡng cán bộ cấp xã; 04 tài liệu bồi dưỡng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (hằng năm có cập nhật, bổ sung, tài bản). Công bố 32 bài báo khoa học đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương, trên 300 bài đăng website của Trường.
Qua kết quả nêu trên, có thể thấy năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận bộc lộ những ưu điểm và hạn chế sau: Về ưu điểm, chất lượng các sản phẩm, kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng lên mang lại ý nghĩa rất thiết thực cho việc nâng cao chất lượng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất từ kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có giá trị vận dụng, ứng dụng cao đối với các ngành, địa phương; Kỹ năng, phương pháp nghiên cứu của giảng viên có những tiến bộ rất rõ nét, từ đề xuất ý tưởng, viết Báo cáo thuyết minh, cho đến việc phân công, triển khai nghiên cứu, tổng hợp, nghiệm thu sản phẩm...được giảng viên triển khai thực hiện khá thành thạo. Về hạn chế, nội dung một số đề tài vẫn mang nặng tính lý thuyết, thiếu sự gắn kết với hoạt động giảng dạy, nâng cao chất lượng nội dung, chương trình, bài giảng, chuyên đề; hoạt động tổng kết thực tiễn mới kỳ lồng ghép trong các đề tài khoa học, chưa trở thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền giao. Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin; phương pháp tư duy khái quát, tổng hợp, phân tích của một số giảng viên còn hạn chế, nên quá trình hoàn thiện các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn; Một số giải pháp, kiến nghị, đề xuất còn thiếu chiều sâu, chưa sát với thực tiễn ngành, địa phương, đơn vị; vì vậy, việc chuyển giao, ứng dụng, vận dụng kết quả NCKH vào thực tiễn còn hạn chế.
2. Một số giải pháp nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cho đội ngũ giảng viên
Một là: Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn về đội ngũ theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp nghiên cứu khoa học nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về: Kỹ năng phát hiện vấn đề; kỹ năng xây dựng thuyết minh, trình bày ý tưởng, đề ra nhiệm vụ nghiên cứu; kỹ năng thu thập, xử lý thông tin; kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu khoa học; kỹ năng tổng hợp, phân tích...
Hai là: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên qua thực tiễn nhằm hình thành những kỹ năng, phương pháp, nhất là khả năng phát hiện những khoảng trống khoa học, những vấn đề bất cập cần nghiên cứu, tổng kết, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị với các cấp ủy đảng, chính quyền. Chú trọng việc nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên, đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc bổ sung thực tiễn vào các bài giảng, chuyên đề mà giảng viên đảm nhiệm. Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần quan tâm xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đề án đưa giảng viên đi thực tế dài hạn tại các địa phương, ngành, tạo điều kiện cho giảng viên được trải nghiệm thực tiễn, hiểu sâu, nắm rõ những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Ba là: Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của Ban Giam hiệu đối với việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể, quy trình, các bước nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nhất là việc bám sát Thuyết minh nhiệm vụ khoa học đã được phê duyệt, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của cán bộ, giảng viên.
Bốn là: Tăng cường phối hợp giữa Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ với các các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu, đề xuất, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, nghị quyết đại hội Đảng các cấp và thực tiễn địa phương, cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất danh mục các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để làm cơ sở, định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên. Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo sự gắn kết và phối hợp hiệu quả giữa Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và các trung tâm chính trị trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cho cán bộ, giảng viên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ vững mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò là đơn vị duy nhất, trung tâm ở cấp tỉnh thực hiện công tác đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh.
Th.S. Phạm Hữu Kiên