Nhóm đối tượng thuộc diện ban thường vụ cấp huyện và tương đương quản lý là lực lượng khá đông đảo. Ở cấp xã, đó là các đồng chí giữ cương vị bí thư, phó bí thư đảng ủy, ủy viên ban thường vụ đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã).
Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã có vai trò hết sức quan trọng, xuất phát từ vai trò quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Hệ thống chính trị cấp cơ sở là cấp trực tiếp quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong đó, đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền cấp xã giữ vai trò chủ đạo, có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) ở địa phương để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, phát huy, bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã. Đặc biệt là việc đẩy mạnh đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng kết hợp giữa lý luận chính trị với kiến thức quản lý Nhà nước, quốc phòng, an ninh và công tác vận động quần chúng. Tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, từ năm 2018 đến nay, đã mở 15 lớp bồi dưỡng dành cho cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã với trên 1.200 lượt cán bộ tham dự.
Nhìn chung công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ninh nói chung, công tác bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã nói riêng trong 5 năm (2015-2020) được tỉnh đặc biệt chú trọng, quan tâm. Thể hiện ở chủ trương, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán của tỉnh về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng những văn bản, nghị quyết, quyết định cụ thể để tổ chức, triển khai và thực tế đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ cấp xã được nâng lên rõ rệt. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã giai đoạn 2015 - 2020 đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh.
Những kết quả đạt được trong công tác bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã tỉnh Quảng Ninh thể hiện nổi bật trên một số nét sau:
- Một là, đã thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương coi công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh.
Với quan điểm, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực chính là tạo đột phá chiến lược để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII xác định 3 khâu đột phá, trong đó nhấn mạnh “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng nhấn mạnh giải pháp “ tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó, tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ cương công chức, đổi mới chế độ công chức, công vụ". cụ thể, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch, Quyết điện để triển khai thực hiện: Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 09/6/2014 về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 03/3/2015 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy biên chế; Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 29/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ và chủ đề công tác của năm 2020; Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 30/01/2015 của UBND Tỉnh về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác định đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những đột phá chiến lược. Năm 2021 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Tỉnh Quảng Ninh đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chủ đề công tác năm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phát động trong toàn tỉnh thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.
Với quan điểm chủ trương trên, Tỉnh thành lập Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng để tập trung, thống nhất việc rà soát, cho ý kiến tổng thể kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm về số lớp, số học viên, giao cơ quan, đơn vị chủ trì, cơ quan, đơn vị phối hợp trong triển khai, thực hiện. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch, phân bổ nguồn kinh phí để triển khai, thực hiện.
Có thể nói, thông qua việc xác định rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết, kế hoạch trên đây, cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện sự thống nhất nhận thức, tạo cơ chế quản lý, vận hành đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
- Hai là, dành nguồn lực thỏa đáng, triển khai đồng bộ, phong phú, đa dạng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Ninh đã danh nguồn kinh phí gần trên 325 tỷ đồng xây dựng mới Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ với tổng diện tích 07 ha, trên 20 phòng học và phòng chức năng, trên 450 phòng nghỉ giảng viên và học viên. Tỉnh cũng dành nguồn lực gần 300 tỷ đồng cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng với số lượng trên 140.000 lượt người.Trong đó, cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 293 trên 600 lớp đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước với 36.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức[1]
Tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, đơn vị được xác định là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức ở cấp tỉnh, trong giai đoạn 2015-2020 đã mở 1.100 lớp với 70.625 lượt học viên[2]. Trong đó, đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính 94 lớp/7.895 học viên; bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính 70 lớp /5.772 học viên; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ 556 lớp/13.619 học viên; bồi dưỡng tin học 32 lớp/1.066 học viên; bồi dưỡng công dân điện tử 09 lớp/1.038 học viên; bồi dưỡng khác 72 lớp/5.705 học viên; phối hợp quản lý 09 lớp cao cấp lý luận chính trị/ 803 học viên; liên kết, phối hợp, hỗ trợ mở 17 lớp đại học/ 1.207 sinh viên và 06 lớp thạc sỹ/141 học viên. Trong tổng số các lớp và học viên nêu trên, đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã hằng năm đạt tỷ lệ khá cao. Bình quân mỗi cán bộ, công chức, cấp xã trong 5 năm được tham gia từ 02 - 03 lượt đào tạo, bồi dưỡng.
- Ba là, chú trọng quan tâm đổi mới về hình thức, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập tại các lớp bồi dưỡng
Hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên được đổi mới, linh động, phù hợp với tình hình thực tiễn trong tỉnh, phù hợp với nội dung của từng chương trình bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên luôn được yêu cầu chuẩn bị tốt giáo án, kế hoạch bài giảng trước lên lớp; các bài giảng phải thường xuyên được cập nhật, thông tin, chủ trương, chính sách mới, nhất là những mục tiêu, giải pháp lớn trong nhiệm kỳ và nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Quá trình giảng dạy, luôn gắn truyền thụ kiến thức, lý luận với rèn luyện phương pháp, kỹ năng vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng vào giải quyết những vấn đề đặt ra ở cơ sở. Các tiết học đều được giảng viên dành tối thiểu 20% thời lượng để tương tác, thảo luận, trao đổi, khích lệ được tinh thần chủ động trong học tập, nghiên cứu của học viên.
- Bốn là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, văn hóa, văn minh công sở, phê phán, đấu tranh đẩy lùi các biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị trong tổ chức, quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Nhiều biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong học tập lý luận chính trị được triển khai. Trong đó, tập trung các biện pháp như: (1) Định kỳ hằng năm tổ chức Hội nghị công tác chủ nhiệm và ban cán sự lớp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng học viên, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời quán triệt, triển khai nhiệm vụ của năm học mới. (2) Thường xuyên quán triệt bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh ban hành; Quy định về việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ ban hành kèm theo Quyết định số 1183-QĐ/TU, ngày 01/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các quy định thực hiện văn hóa trường Đảng, văn minh công sở, đạo đức công vụ trong nhà trường. (3) Triển khai quản lý học viên theo sơ đồ chỗ ngồi, đặt biển tên học viên, lắp đặt hệ thống camera giám sát; (4) Phát huy vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm, ban cán sự các lớp; chú trọng quản lý các hoạt động thu, chi quỹ lớp, đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích; (5) Phối hợp với các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý học viên; (6) Duy trì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất, không báo trước đối với các lớp…
Bên cạnh những kết quả tích cực trên đây, công tác bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã còn một số hạn chế như: Các văn bản pháp luật và cơ chế chính sách trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng và ban hành cũng như triển khai thực hiện chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi dưỡng cán bộ. Nội dung, chương trình bồi dưỡng do các cơ quan Trung ương ban hành chưa được kịp thời cụ thể hóa cho phù hợp với tỉnh Quảng Ninh. Việc thực hiện các chương trình bồi dưỡng còn thiếu thống nhất, đồng bộ; công tác biên soạn các chuyên đề giảng dạy các lớp chưa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khoa học, bài bản, bảo đảm chất lượng. Số lượng cán bộ cấp xã được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống chính trị cấp xã. Đội ngũ cán bộ cấp xã nói chung còn chưa thực sự chủ động, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng; một số còn còn biểu hiện ngại học, lười học lý luận chính trị.
Một số kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã
Từ kết quả đạt được nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
- Một là: Công tác bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp xã phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; quán triệt, thực hiện đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng. Thực hiện tốt quan điểm, nhận thức này, vừa chấp hành đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, quản lý toàn diện đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, vừa đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã được tiến hành đúng định hướng của Đảng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương.
- Hai là: Phải xây dựng được hệ thống các quy chế, quy định, thể chế đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói riêng. Đảm bảo cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác này được đồng bộ, thông suốt, không trùng chéo, trùng lắp nhiệm vụ, không bỏ lọt nhiệm vụ; vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, vừa đảm bảo tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương, đơn vị.
- Ba là: Công tác đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ rất quan trọng trong các khâu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Qua đó, giúp cho các cơ quan chức năng, nhất là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kịp thời nhìn nhận, đánh giá những ưu điểm để phát huy, thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, đồng thời kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới.
- Bốn là: Để đảm bảo công tác bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp ủy chính quyền cấp xã có chất lượng, hiệu quả, công tác nghiên cứu, biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, công việc này cần phải được triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học, bám sát các mục tiêu trong xây dựng đội ngũ cán bộ, bám sát thực tiễn đời sống nhân dân và những yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Thiết kế, xây dựng chương trình phải khoa học, có cách tiếp cận phù hợp, đi từ những vấn đề lý luận cơ bản, đến thực tiễn, giải quyết, xử lý các tình huống trong công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.
- Năm là: Để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng phải phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệm lần thứ tư, cần áp dụng linh hoạt các hình thức trực tiếp, trực tuyến, từ xa, kết hợp truyền thống với hiện đại trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Quá trình tổ chức các lớp, giảng dạy, truyền đạt trên lớp cần bám sát phương châm “Người học là trung tâm - Người thầy là động lực - Nhà trường là nền tảng”. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền đạt kiến thức chung với việc trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trên lớp, nhằm tạo môi trường để học viên cùng học tập kinh nghiệm lẫn nhau, như vậy sẽ phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của mọi thành viên tham gia lớp bồi dưỡng.
- Sáu là: Công tác phối hợp giữa Nhà trường với các cơ quan, đơn vị có ý nghĩa rất quan trọng, tạo được những tác động tổng thể tới không chỉ người học, mà còn cả đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng trong quá trình thực hiện các khâu đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao ý thức trách nhiệm người học, làm cho quá trình bồi dưỡng trở thành hoạt động chủ động, tích cực của cán bộ.
- Bảy là: Phải đảm bảo chu đáo, chất lượng trong công tác quản lý, phục vụ, đảm bảo cơ sở vật chất là một trong những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các lớp. Các chế độ, chính sách đối với học viên, giảng viên cần được các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện, góp phần giảm bớt khó khăn, khích lệ động viên cán bộ đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ./.
[1] Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh: Các Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tháng 10/2020. Tr.71
[2] Nguồn: Đề án “Xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2027, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 765-QĐ/TU ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh
ThS. Phạm Khánh Phương, Phòng Quản lý đào tạo&NKCH