
PGS, TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Dân quân tự vệ 28/3/1935-28/3/2025, xin được ôn lại truyền thống lịch sử ra đời, những đóng góp của lực lượng DÂN QUÂN TỰ VỆ trong suốt chặng đường xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
1. Lịch sử hình thành và phát triển của Dân quân tự vệ
Ngày 28 tháng 3 năm 1935, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương ra “Nghị quyết về đội tự vệ”. Đây được coi là ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ. Đến năm 2019, tại Điều 7 Luật Dân quân tự vệ quy định ngày 28/3 hằng năm là ngày truyền thống của Dân quân tự vệ.
Từ năm 1935 đến 1945: Các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị ra đời, làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện khởi nghĩa vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa cách mạng. Tháng 8 năm 1945, Dân quân tự vệ đã cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày 02 tháng 9 năm 1945, Dân quân tự vệ - một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân - được tổ chức rộng khắp trên cả nước, thực sự là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng.
Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954): Lực lượng dân quân tự vệ và du kích từng bước được thống nhất về tổ chức, do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ đạo, chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng các cấp. Mặc dù chỉ được trang bị các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, phải đương đầu với quân đội viễn chinh được trang bị hiện đại, nhưng lực lượng Dân quân tự vệ đã cùng nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao quân địch, phá tề, trừ gian; tích cực phối hợp với bộ đội chống địch càn quét, bao vây quân địch, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiến hành nhiều chiến dịch lớn, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Cụ thể, trong kháng chiến chống Pháp, dân quân tự vệ và bộ đội địa phương đã tiêu diệt 23,1 vạn/tổng số 50 vạn quân địch (chiếm tỉ lệ 46,4% tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt), làm tan rã trên 20 vạn tên (chiếm tỷ lệ 35%) và kiềm chế, phân tán trên 90% tổng số lực lượng địch trên toàn chiến trường.
Giai đoạn 1954-1975- xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam: Lực lượng dân quân tự vệ ở miền Bắc đã được tổ chức trên 700 phân đội, tăng cường trang bị nhiều loại vũ khí như: Súng máy cao xạ 12,7mm, 14,5mm, 58 đại đội pháo cao xạ 37mm đến 100mm và 36 phân đội pháo binh các loại đánh tàu chiến địch...; phối hợp với bộ đội, công an và Nhân dân thực hiện “tay cày tay súng, tay búa tay súng” chiến đấu liên tục ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không, không quân bắn rơi nhiều máy bay địch. Riêng dân quân tự vệ đã độc lập bắn rơi 424 máy bay các loại trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc (chiếm 10%), bắt sống hàng trăm tên giặc lái và hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Lực lượng dân quân du kích ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ luôn chủ động đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, vận dụng các hình thức đánh địch hết sức phong phú, sáng tạo trên khắp 3 vùng chiến lược; thực hiện bám trụ kiên cường, giữ thế xen kẽ, cài răng lược, buộc địch phải phân tán tới 90% quân số để đối phó với lực lượng vũ trang địa phương ta. Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, lực lượng dân quân tự vệ cùng bộ đội chủ lực và toàn dân miền Nam tiến công và nổi dậy đồng loạt, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2024): Dân quân tự vệ tham gia xây dựng các cụm chiến đấu, đẩy mạnh xây dựng các tuyến phòng thủ biên giới, nhất là các khu vực trọng điểm, xây dựng thế trận, hoạt động chiến đấu trên tuyến Tây Nam và biên giới phía Bắc, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới của các thế lực thù địch. Cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, dân quân tự vệ tiếp tục phát huy vai trò làm nòng cốt cho nhân dân ở cơ sở khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực rà phá bom mìn, giải phóng hàng triệu ha đất; truy quét tàn quân, bọn phản động của địch còn cài cắm lại; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an Nhân dân và các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Sự nghiệp đấu tranh, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước hiện nay của lực lượng Dân quân tự vệ
Trong công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng dân quân tự vệ luôn ngày đêm sát cánh cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Lực lượng dân quân tự vệ càng phát huy vai trò quan trọng, xung kích trong tham gia thực hiện các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, chỉ riêng trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp (từ năm 2020 – 2022), các địa phương đã huy động hàng chục triệu lượt dân quân tự vệ cùng tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tổ chức tuần tra, chốt chặn chống xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch trên tuyến biên giới tại 1.970 điểm, chốt; thực hiện chốt chặn, hướng dẫn kê khai y tế, phòng, chống dịch tại trên 31.160 chốt kiểm soát; phục vụ trên 10 nghìn khu, điểm cách ly, trên 120 bệnh viện dã chiến; phối hợp với trên 500 tổ quân y lưu động cấp cứu ở những khu vực dịch bệnh nguy hiểm, để lại hình ảnh đẹp của dân quân tự vệ trong lòng Nhân dân.
Trải qua 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam không ngừng được nâng cao về chất lượng, số lượng và biên chế trang bị; luôn đoàn kết thống nhất, trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo lập nhiều chiến công to lớn. Dân quân tự vệ sống, chiến đấu trong lòng dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc, kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam, vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, cùng với các lực lượng khác và Nhân dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
3. Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ với sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc
Là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; và các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về một số lĩnh vực. Trong những năm qua, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã góp góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh tổ quốc, điển hình như:
- Về công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước: Nhà trường thường xuyên quan tâm làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Đảng và nhà nước về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc tới toàn thể cán bộ, đảng viên. Đồng thời chỉ đạo đội ngũ giảng viên chủ động cập nhật lồng ghép vào các bài giảng như: Các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, gắn với Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 31-KL/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quốc phòng, chiến lược Quân sự Việt Nam; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Luật Dân quân tự vệ năm 2019; Nghị quyết 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ. Các nội dung trên đã được cụ thể hóa và đưa vào các bài giảng trong chương trình đào tạo và phổ biến trong các lớp bồi dưỡng và tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trường.
- Tham gia củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn: Nhà trường phối họp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan xây dựng và triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; bảo đảm an ninh, trật tự Nhà trường và trên địa bàn, chủ động đấu tranh với các âm mưu và các hoạt động gây mất an ninh trật tự và thực hiện tôt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ cơ quan. Tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, góp phần làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh quốc gia.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới có những chuyển biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực sẽ diễn ra ngày càng gay gắt cả về phạm vi, cường độ; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, chuyển đổi số… tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là tình hình an ninh, trật tự. Trước những yêu cầu đó, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ xác định tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, phát huy tốt vai trò là cơ quan tuyên truyền những chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật tới cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực vào việc giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống dân quân tự vệ (28/3/1935 - 28/3/2025) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân quân tự vệ, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
ThS. Phạm Khánh Phương - Phòng QLĐT&NCKH