TS. Đỗ Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đào tạo cán bộ
Nguyễn Văn Cừ phát biểu tại Hội thảo
Chủ trì Hội thảo gồm TS. Đỗ Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà Trường, ThS. Phạm Hữu Kiên, Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thị Huyền Thái, Phó trưởng khoa lý luận cơ sở. Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng hơn 120 đại biểu là cán bộ, giảng viên, người lao động Nhà trường, đại diện Ban cán sự một số lớp trung cấp hệ không tập trung và học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị A58, A59 hệ tập trung tại trường.
ThS. Phạm Hữu Kiên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo
Thay mặt chủ trì Hội thảo, ThS. Phạm Hữu Kiên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, trong đó nhấn mạnh: Quảng Ninh là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi của người Việt cổ và là nơi có nhiều di tích lịch sử gắn với quá trình dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc. Quảng Ninh còn là cái nôi ra đời giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam. Đây cũng là vùng đất quần tụ tinh hoa từ nhiều miền của đất nước tạo nên sự giao thoa và kết tinh nền văn hóa đa sắc, thống nhất trong đa dạng. Con người, xã hội, truyền thống cách mạng và bề dày lịch sử văn hóa ấy là chính là nguồn cội sức mạnh để Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để không ngừng đổi mới, phát triển. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, tỉnh Quảng Ninh đều để lại những dấu ấn thể hiện khát vọng vươn lên, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ với tổng số 2.340 trận đánh, cùng hàng nghìn tấn bom đạn. Với niềm cháy bỏng khát khao hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã kiên cường chống trả các cuộc không kích, làm nên chiến công vang dội ngay từ trận đầu ra quân, bắn rơi 3 máy bay và bắt sống phi công Mỹ. Từ 1964 - 1972, quân và dân Quảng Ninh đã bắn rơi thêm 197 chiếc máy bay, để cộng dồn số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh là tròn 200 chiếc.
Giai đoạn từ năm 1975 - 1985, sau khi đất nước thống nhất chưa được bao lâu thì Quảng Ninh lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đầu năm 1979. Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, giai đoạn này Quảng Ninh vẫn dồn lực xây dựng nhiều công trình quan trọng: Đài Truyền hình tỉnh, hoàn thành đúng ngày 2/9/1982, là tỉnh đầu tiên của miền Bắc có đài truyền hình; xây dựng Nhà máy nước Diễn Vọng cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị xã Hòn Gai và thị xã Cẩm Phả; xây dựng hồ chứa nước và hệ thống kênh mương Yên Lập với dung tích 160 triệu m3 nước, đủ khả năng tưới 10.000ha đất canh tác cho huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) và các huyện, thị lân cận; thành lập đội tàu viễn dương và vận tải bắc nam với những tàu trọng tải lớn, như Sông Chanh 2.000 tấn, Việt Ba 3.600 tấn, Vân Đồn 5.000 tấn…qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ thông thương hàng hóa và xuất nhập khẩu…
Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, tỉnh Quảng Ninh cũng luôn thể hiện ý chí vươn lên với rất nhiều những sáng kiến, cách làm hiệu quả như: Mô hình “Dân tin - Đảng cử”; mô hình “Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh”; mô hình “Lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “sở hữu công, quản trị tư";… mô hình “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư gắn với thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực và quản lý”; mô hình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; mô hình “vốn hóa” các giá trị văn hóa thành nguồn lực, động lực cho phát triển KT-XH; mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm hành chính công gắn với cải cách hành chính; mô hình thúc đẩy chính quyền số, chính quyền điện tử; mô hình phát triển các đảo ven bờ; mô hình tổ chức trục động lực, mở rộng không gian, hàng lang phát triển; mô hình tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới…
Từ khát vọng vươn lên, đến những đổi mới sáng tạo, Quảng Ninh đã từ một có nền kinh tế muôn vàn khó khăn đến nay đã trở thành một trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của khu vực phía Bắc. Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2005, tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn đạt trên 10%/năm; giai đoạn 2006 -2010 đạt 12,7%/năm. Giai đoạn 2016 -2022, đạt trên 10%, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành và chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng). GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc). Từ một tỉnh thu chỉ đáp ứng 10% chi (năm 1985), sau 10 năm đổi mới (năm 1995) Quảng Ninh đã tự cân đối thu chi và bắt đầu có đóng góp ngân sách cho Trung ương; và đến nay đứng trong tốp đầu trong cả nước về thu ngân sách ngân sách nhà nước. Chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn giữ vững ở ngôi đầu, với 6 năm liên tiếp đứng đầu cả nước chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; 10 năm liền nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS; 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PAR-Index. Đồng thời, là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR-Index, PAPI (năm 2020, năm 2022).
Hội thảo đã nhận được hơn 30 bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học và của cán bộ, giảng viên Nhà trường và học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị. Tại Hội thảo đã có 11 ý kiến tham luận và phát biểu, các ý kiến đã tập trung vào các trọng tâm như:
Phân tích, luận giải, làm rõ khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Ninh thể hiện qua: Các mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh 60 năm qua. Tinh thần chủ động, sáng tạo, những sáng kiến, mô hình, cách làm hiệu quả, của tỉnh Quảng Ninh qua các giai đoạn phát triển. Sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc phát huy tiềm năng, vượt qua khó khăn thách thức nhằm đóng góp vào sự phát triển tỉnh Quảng Ninh. Truyền thống hào hùng và những dấu mốc lịch sử quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển; những cách làm sáng tạo, những bước đi đột phá và bài học kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình 60 năm xây dựng và phát triển. Những bài học kinh nghiệm quý báu của tỉnh Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển.
Phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình và những đề xuất những giải pháp xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh “kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, như: Những thời cơ, thuận lợi, nguồn lực, động lực (tiềm năng, thế mạnh, vật chất, tinh thần, truyền thống, văn hóa, con người...), thúc đẩy đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh “kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Những tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua 09 lần về thăm Quảng Ninh - động lực tinh thần to lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện khát vọng phát triển. Những khó khăn, thách thức và đề xuất những phương hướng, giải pháp xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ mới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Đỗ Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường nhấn mạnh: Những thành tựu trong xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh 60 năm qua là vô cùng to lớn, thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên của các thế hệ quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và sự kế thừa thành tựu của nhiều thế hệ. Những kết quả, thành tựu đạt được và những tinh thần đổi mới sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã thực sự trở thành thực tiễn phong phú, sinh động để chúng ta có thể nghiên cứu, tổng kết, rút ra những bài học quý báu để tiếp tục phát huy, góp phần thực hiện khát vọng đưa Quảng Ninh trở thành một tỉnh “Kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Hội thảo là dịp để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, viên chức Nhà trường và học viên về: ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; về tiềm năng, thế mạnh, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, từ đó có những hành động thiết thực, phù hợp trên mỗi lĩnh vực, mỗi cương vị công tác để góp phần phát triển tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp. Qua đó, tiếp tục bồi dưỡng, phát huy niềm tự hào về lịch sử truyền thống cách mạng, lòng yêu quê hương, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, đề cao trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động, học viên trong việc góp sức xây dựng tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ mới.
Đồng chí cũng ghi nhận và cảm ơn tinh thần trách nhiệm của các khoa, phòng, trung tâm và các lớp đã tích cực chuẩn bị và tham gia để Hội thảo thành công tốt đẹp. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng mỏ anh hùng, tích cực thi đua phấn đấu dạy tốt, học tốt và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp xây dựng quê hương Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; xây dựng Nhà trường đạt và giữ vững các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW.
Phạm Xuân Kính – Trường ĐTCB Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh