Giảng viên trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ học tập và làm theo phong cách tư duy, diễn đạt Hồ Chí Minh

Giảng viên trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ học tập và làm theo phong cách tư duy, diễn đạt Hồ Chí Minh

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, liên tục, lâu dài của Đảng ta. Nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất phong phú, thể hiện trong toàn bộ di sản và cuộc đời hoạt động của Người, có mối quan hệ thống nhất, biện chứng tạo nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh.

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức, trong sáng, nhân văn. Đó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Phong cách Hồ Chí Minh bao gồm: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sống.

Bài viết này đề cập đến sự cần thiết phải học tập, làm theo phong cách tư duy và diễn đạt Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ.

Phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư duy là quá trình nhận thức thực tại khách quan vào bộ óc con người thông qua quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát, trừu tượng hóa… để tìm ra bản chất, quy luật của sự vật và hiện tượng. Theo V.I. Lê-nin, tư duy là sự phản ánh thế giới tự nhiên sâu sắc hơn, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, đi sâu, tiến gần đến chân lý khách quan hơn.

Trong tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không theo đuôi, giáo điều, không vay mượn nguyên xi cái gì của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đất nước. Tự chủ là sự chủ động và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân và biết làm chủ bản thân. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù, là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Nhờ phong cách tư duy đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, phát triển sáng tạo con đường và phương pháp tiến hành cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế của thời đại. 

Để làm tốt công việc giảng dạy, người giảng viên phải có tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo. Nghĩa là mỗi giảng viên phải có một “bản sắc riêng”, không trộn lẫn, không theo “lối mòn” của người khác. Đứng trước một vấn đề cụ thể, mỗi giảng viên cần tìm tòi, quan sát, lắng nghe, tự đặt câu hỏi và trả lời trên cơ sở những kinh nghiệm, tri thức đã có để tìm ra bản chất của vấn đề. Kết hợp kiến thức đã được trang bị trong nhà trường với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, đồng nghiệp và thực tiễn sinh động của đất nước, của tỉnh để lí giải những nội dung bài giảng cho phù hợp với yêu cầu và sự mong đợi của người học. Tư duy độc lập giúp giảng viên hoàn toàn làm chủ kiến thức của mình và thể hiện được cái “tôi” một cách thuyết phục.

Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo giúp giảng viên luôn luôn chủ động trong mọi công việc, làm chủ bản thân, làm chủ suy nghĩ của mình, không bị chi phối bởi những người khác; dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo khoa về những nhiệm vụ được phân công. Đối với từng nội dung giảng dạy, phải làm chủ kiến thức chuyên môn, thường xuyên trau dồi, cập nhật thông tin và áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp để bài giảng luôn “sống” và mang “hơi thở” cuộc sống. Phải tìm cho mình một phong cách giảng dạy riêng, không khiên cưỡng, không bắt chước người khác.

Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo giúp người giảng viên có cái nhìn toàn diện để phân biệt được tốt - xấu, đúng - sai, trắng - đen; không a dua, không bị lôi kéo theo suy nghĩ, ý kiến của người khác, không “theo đuôi” người khác.

Tóm lại, rèn luyện phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh sẽ giúp cho mỗi giảng viên vững về chuyên môn và sáng về đạo đức, nhân cách. Đồng thời, tư duy độc lập, sáng tạo giúp cho giảng viên tích lũy được kiến thức sâu, đủ lí lẽ, lập luận để phản bác lại các luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất trong cách nói và viết của Người. Tùy theo mục đích, đối tượng, thể loại mà Người có cách nói và viết khác nhau. Trước khi nói và viết, Người luôn đặt ra bốn câu hỏi:Viết và nói để làm gì? (mục tiêu), viết và nói cho ai? (đối tượng), viết và nói cái gì? (nội dung), viết và nói thế nào? (phương pháp). Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh có các đặc điểm nổi bật sau:

Một làcách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mục đích của nói và viết Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người.

Hai làdiễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao.

Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt nội dung thì phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, không phải nhất thiết cái gì cũng ngắn mới tốt, mà mục đích của việc nói ngắn, viết ngắn là để chữa cái bệnh “nói dài, viết rỗng”, tức là tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể quy định nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung. Mỗi câu, mỗi chữ phải chứa đựng một ý nghĩa, mang một nội dung nhất định, không dư thừa; nói đúng tư tưởng, phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Ba làsinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thểKhi nói, khi viết Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng.

Theo Hồ Chí Minh, “Cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn”;[1] do đó trước hết “phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”[2]. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh... Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”[3].

Bốn làphong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo; sự sôi nổi trong tranh luận; thiết tha trong kêu gọi; ân cần trong giảng giải; sáng sủa trong thuyết phục… Người dạy: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”[4].

Học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ phải tự rèn luyện mình theo những yêu cầu sau:

Thứ nhất, giảng viên lý luận chính trị đóng vai trò là người “truyền đạo”, là một kênh tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người học. Do vậy, để đạt được hiệu quả tuyên truyền, thuyết phục cao, trước khi lên lớp, mỗi giảng viên cần tự trả lời bốn câu hỏi: Nói để làm gì? Nói cho ai nghe? Nói về cái gì? Và nói như thế nào? Từ việc trả lời bốn câu hỏi trên, giảng viên sẽ tự xác định cho mình các nội dung, phương pháp phù hợp với từng đối tượng học viên. Căn cứ vào trình độ, nghề nghiệp, nhu cầu thông tin… của người học để xác định những nội dung trọng tâm cần trình bày. Mục đích cuối cùng là chuyển tải những kiến thức lý luận “khô cứng” đến người học một cách dễ hiểu bằng những ngôn từ giản dị, đời thường nhưng không tầm thường.

Thứ hai, ngôn ngữ sử dụng khi giảng bài phải ngắn gọn, trong sáng, cô đọng và có hàm lượng thông tin cao.

Khi giảng bài phải xác định đúng trọng tâm của bài, phân tích kỹ, phân tích sâu các ý cơ bản để làm nổi bật lên các nội dung cần trình bày. Sử dụng cách nói ngắn gọn, súc tích nhưng hàm chứa nhiều thông tin để cung cấp cho học viên. Tránh cách nói chung chung, trừu tượng, dùng nhiều từ “bác học”, “chuyên môn sâu” làm người học khó hiểu, khó nhớ, khó tiếp thu. Tránh cách nói dài “tràng giang đại hải”, “thao thao bất tuyệt”; tránh dùng những ngôn từ không sát hợp với đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người học, không quan tâm họ có hiểu hay không.

Thứ ba, để làm mềm hóa những kiến thức lý luận khô khan, người giảng viên phải đưa những ví dụ sinh động từ cuộc sống vào bài giảng. Kết hợp giữa lý luận với thực tiễn là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên chính trị. Để chứng minh cho tính đúng đắn của lý luận, giảng viên phải biết cách lồng ghép những sự kiện, hình ảnh, con số cụ thể để thuyết phục người nghe. Đồng thời, phải biết cách khai thác kho tàng ngôn ngữ dân gian vào bài giảng bằng những câu tục ngữ, ca dao, hò vè… để tạo hứng thú cho người học.

Bên cạnh đó, cần có sự uyển chuyển, linh hoạt của ngôn ngữ trình bày theo từng nội dung của bài. Chẳng hạn, khi đấu tranh với các quan điểm sai trái chống phá Đảng và Nhà nước, giảng viên phải sử dụng lời nói đanh thép, thể hiện rõ quan điểm phê phán. Nhưng khi tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng đến với người học phải dùng những lời nói nhã nhặn, đầy sức thuyết phục…

 Như vậy, việc rèn luyện theo phong cách tư duy và diễn đạt Hồ Chí Minh là điều hết sức cần thiết đối với mỗi cán bộ, giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trong giai đoạn hiện nay. Mỗi giảng viên tự xây dựng cho mình một kế hoạch học tập và làm theo Bác. Trên cơ sở đó sẽ hình thành nên một đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, sắc bén về lý luận, nhuần nhuyễn về phương pháp, xứng danh là các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.207.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8,tr.208.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.263.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.346.

 

 

Ths. Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

0 vote
Bài mới hơn
Bài cùng chuyên mục
Quảng cáo
  • 60 nam
  • 60 nam
  • admin1
  • admin1
  • thông báo tuyển sinh
  • thông báo tuyển sinh
  • Công chức
  • Công chức
  • Hành chính công
  • Hành chính công
  • Công báo quảng ninh
  • Công báo quảng ninh
  • Văn bản pháp luật
  • Văn bản pháp luật
Video
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Tin mới
Tin tiêu điểm
Tin đọc nhiều
Website liên kết
Website liên kết
Fanpage
Thống kê truy cập
Đang online: 0
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Tháng này: 0
Tháng trước: 0
Tất cả: 0