TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC TRONG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC TRONG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

ThS. Nguyễn Thị Thanh Thùy

        Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục lý luận chính trị (GDLLCT) có 4 mục đích cơ bản là để cho người học hoàn thiện mình; để tu dưỡng đạo đức cách mạng; để tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, sức mạnh của nhân dân, tương lai của đất nước; và để có năng lực thực hành. Vì chỉ trên cơ sở hoàn thiện bản thân thì các lực lượng nòng cốt của cách mạng mới có đủ đức đủ tài, luôn trung thành và sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cách mạng, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ ra, nhờ học tập lý luận chính trị mà giúp chúng ta nhận tức đúng đắn về mục tiêu cách mạng và bằng hành động thực tiễn để hiện thực hóa mục tiêu vì: “Hăng hái theo cách mạng điều đó rất hay. Nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng, vì thế cần phải học tập để sửa chữa cho đúng. Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”[1].  Và phải “Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn”[2]. GDLLCT cho cán bộ, cho quần chúng chính là tăng cường ý thức tự hào dân tộc và niềm tin khoa học vào sự vận động của cách mạng để họ trung thành với sự nghiệp cách mạng, để các thế hệ cách mạng thấm nhuần quan điểm “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[3]. Trang bị kiến thức lý luận chính trị còn giúp cho các lực lượng cách mạng có được thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn cách mạng;củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Vì vậy, “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”[4], để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng và cuộc sống đặt ra. Như vậy, có thể thấy mục đích GDLLCT là căn cứ quan trọng để Hồ Chí Minh xác định chính xác vị trí, vai trò của GDLLCT.

Cùng với mục tiêu của GDLLCT, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định vị trí, vai trò giáo dục lý luận chính trị. GDLLCT có vị trí rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân vì nó giữ vai trò hàng đầu trong việc hoàn thiện nhân cách và định hướng tư tưởng cho người học. Trong Đảng, GDLLCT lại càng quan trọng vì nó giúp cho các thành viên của tổ chức có được vũ khí lý luận sắc bén để chiến đấu và chiến thắng, “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”[5]. Từ thực tiễn cách mạng Hồ Chí Minh đã dạy: “Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”[6]. Do đó đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập lý luận chính trị, tu dưỡng đạo đức để vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động thực tiễn. “Vì vậy, học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận,... là những việc cần kíp của Đảng”[7].

Như vậy, Hồ Chí Minh khẳng định GDLLCT có vai trò cực kỳ quan trọng khi góp phần xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và mục tiêu, lý tưởng cho các lực lượng cách mạng; giúp cho người học công cụ tư duy khoa học để nhận thức;  Góp phần xây dựng niềm tin; lý tưởng cách mạng; tính nhân văn, nhân đạo; tính đảng, tính cách mạng và khoa học cho các lực lượng liên quan.

Từ mục đích, vị trí, vai trò của GDLLCT, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tại sao phải học lý luận. “Trước hết, Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”[8]. Người chỉ ra Đảng ta mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhược điểm, mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém.“Nhưng mặt khác, vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm, ví dụ như chúng ta đã phạm những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hoặc những khuyết điểm trong việc lãnh đạo kinh tế”[9].

Để những mục tiêu của GDLLCT theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần nâng cao chất lượng giảng dạy của người thầy trong giáo dục lý luận chính trị. Người căn dặn: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí được tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”[10]. Người cán bộ giảng dạy lý luận chính trị đòi hỏi phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú, để kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên tầm cao mới. Có như thế người giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận”[11]. Người yêu cầu phải lựa chọn, bồi dưỡng giảng viên tham gia giảng dạy lý luận chính trị, vì “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội”[12] và vì thế mà “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình…”[13]. Như vậy, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị theo Hồ Chí Minh xác định không phải chỉ những người trực tiếp làm nghề giáo, mà còn phải mở rộng ra rất nhiều thành phần khác như: những chuyên gia đầu ngành; những người làm công tác quản lý, lãnh đạo có uy tín trong các ngành, các lĩnh vực của xã hội, của cuộc sống… là những người tiếp xúc, trải nghiệm và gắn bó với thực tiễn nên họ có điều kiện kiểm nghiệm tính đúng đắn của lý luận… vì thế, nội dung giảng dạy của họ sẽ phong phú, sinh động hơn nhờ có được “hơi thở của cuộc sống”. Mặt khác, những lực lượng trên khi cùng tiến hành GDLLCT thì có thể hỗ trợ nhau về tri thức lý luận và có điều kiện tiếp cận với thực tiễn, với cơ sở nắm bắt tình hình thực trạng đời sống sinh hoạt, làm việc, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để xây dựng chủ trương, chính sách sát thực tiễn, hiệu quả. Trên thực tế, việc lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng giảng viên, tuyên truyền viên về lý luận chính trị cũng được Hồ Chí Minh hết sức chú trọng, bảo đảm tài – đức vẹn toàn, để có thể đảm đương công việc nặng nề mà tổ chức đã giao cho. Theo Hồ Chí Minh, những người tham gia huấn luyện về chính trị phải có nền tảng lý luận vững chắc và vốn kinh nghiệm thực tiễn phong phú thì mới có thể thực hiện hiệu quả hoạt động GDLLCT. Những giảng viên LLCT cần phải hiểu sâu, biết rộng về kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất mang tính thời sự để đưa vào bài giảng. Đồng thời cần tăng cường trao đổi, thảo luận giữa giảng viên với học viên để nắm bắt thêm những vướng mắc, khó khăn, bất cập của cơ sở, học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai thực hiện đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Trên cơ sở đó kiến nghị với các chủ thể liên quan để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy cho phù hợp, sát thực tiễn hơn.

Hồ Chí Minh cũng yêu cầu để giảng dạy lý luận chính trị có hiệu quả cần giúp học viên nắm vững và vận dụng những kiến thức lý luận vào thực tiễn cách mạng và cuộc sống. Đó là nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn đối với cả người dạy và người học. Đối với người tham gia giảng dạy cần bố trí nội dung đảm bảo bám sát các nguyên lý và phù hợp với từng đối tượng học viên, đồng thời đảm bảo tính thời sự, phản ánh được thực tiễn phong phú và sinh động đang diễn ra. Đối với người học, cần liên hệ vận dụng những kiến thức lý luận được trang bị với thực tiễn công việc của bản thân, có đủ năng lực để phân tích, đánh giá toàn diện những thành công - thất bại trong công tác, những mặt đúng - sai trong tư tưởng, từ đó chỉ ra nguyên nhân và giải pháp để giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Những bệnh duy tâm, máy móc, mạo hiểm chủ quan, v.v., đều vì tách rời điều kiện khách quan với chủ quan, tách rời lý luận với thực hành mà có”[14]. Cùng với nguyên tắc lý luận gắn với thực tiễn là nguyên tắc học đi đôi với hành- nguyên tắc này có tính thiết thực, phù hợp với phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin vì Người cho rằng “trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”[15]. Đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác tư tưởng lý luận phải biết kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tính đảng với tính khoa học trong GDLLCT, phải vững vàng, sâu sắc về lý luận, đồng thời phải rất am hiểu thực tiễn, biết cập nhật tình hình thời sự để bài giảng được phong phú, bám sát thực tiễn cách mạng sinh động đang diễn ra. Để làm được điều này yêu cầu “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”[16]. Người làm công tác giảng dạy, tuyên truyền phải có khả năng tự học tập, cập nhật tri thức phục vụ giảng dạy, tuyên truyền, mỗi giảng viên phải có phương pháp tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học, có phẩm chất của nhà khoa học, chủ động và tự giác tự học suốt đời, có lòng đam mê nghề nghiệp và thái độ khiêm tốn, cầu thị, biết chủ động nâng cao trình độ mọi mặt và làm kiểu mẫu cho học viên học tập. Để tiến bộ giảng viên đã làm công tác GDLLCT thì phải luôn cầu thị, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi để làm giàu trí tuệ của mình, đồng thời, cần đưa ra cách dạy phù hợp, mới có thể thuyết phục được học viên.

 Hồ Chí Minh cũng yêu cầu để bài giảng hiệu quả giảng viên cần nắm chắc nhu cầu của người học, qua đó giúp họ giải quyết những vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn đang đặt ra trong thực tiễn công việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành nghề...;  phải áp dụng phương pháp phù hợp, bảo đảm thiết thực, cụ thể và sát với từng đối tượng. Cần xuất phát từ tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương, ngành nghề, dân tộc ... để áp dụng phương pháp cho sát. Người nhấn mạnh: “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: có cách hiểu thấu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ. Trái lại cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được”[17]. Cần đề cao và tăng cường phương pháp hướng dẫn thực hành, chú trọng phương pháp nêu gương vì đây là biện pháp hữu hiệu nhất trong GDLLCT, thể hiện sự nhất quán giữa nói và làm theo phương châm “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[18]. Thành công của GDLLCT còn là hướng dẫn và tự giác học lý luận chính trị vì không phải lúc nào cũng có điều kiện để học tập ở trường lớp, trong khi kiến thức luôn được đổi mới, bổ sung hàng ngày. Phải dành nhiều thời gian cho hoạt động tự học, từ khâu nghiên cứu đề cương, làm việc nhóm, thảo luận tập thể theo chủ đề dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của giảng viên... Như vậy, có thể thấy rằng cách đây hơn nửa thế kỷ Hồ Chí Minh đã đề xuất phương pháp dạy học rất hiện đại mà cho đến nay, khi thế giới đã bước sang kỷ nguyên mới chúng ta mới đang “mày mò” nghiên cứu và áp dụng phương pháp lấy học viên làm trung tâm, giảng viên là người tổ chức hướng dẫn. Giảng viên cần phải xác định rõ nội dung cốt lõi cho người học, bởi chỉ có trên cơ sở bao quát toàn bộ thì mới xác định được vấn đề cốt lõi, nội dung chính, trọng tâm cần nắm vững và vận dụng; có như vậy mới khắc phục được tình trạng phiến diện, chỉ thấy cây mà không thấy rừng, hoặc tình trạng chung chung, đại khái, chỉ biết rừng mà không biết cây. Đồng thời, trong huấn luyện phải chú ý vào rèn luyện phương pháp, kỹ năng, tạo cho người học nắm được bản chất, cốt lõi của các quan điểm lý luận, trên cơ sở hiểu biết đó để vận dụng xử trí, giải quyết công việc một cách hiệu quả.

Hồ Chí Minh, còn nhấn mạnh công tác GDLLCT muốn đạt mục đích, chất lượng và hiệu quả thì cần phải được tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ, tỉ mỉ và sâu sát. Người cho rằng cần tổ chức lớp với sĩ số vừa phải và xây dựng chương trình học tập phù hợp, vì “Đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế của người học cũng khác nhau, nên chương trình không sát”[19].  Như vậy, có thể khẳng định theo Người GDLLCT là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, đồng thời nó cũng chính là nhu cầu thường trực, thiết yếu của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình hoàn thiện nhân cách để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, để áp dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng, của đời sống xã hội đặt ra.  Do vậy, để GDLYCT có hiệu quả cần chú ý bảo đảm đầy đủ phương tiện vật chất phù hợp và xây dựng môi trường thân thiện để học viên có thể học tập, nghiên cứu được tốt nhất. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, dù phải thắt chặt chi tiêu, triệt để thực hành tiết kiệm, song Hồ Chí Minh vẫn giành ưu tiên về vật chất cho công tác GDLLCT. Theo Người “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”[20]. Quan điểm này thể hiện nhãn quan văn hóa vượt thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà ngày nay Đảng ta đang rất quan tâm và thường xuyên đề cập đến đó là quan điểm: đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai.

 


[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 360

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 208

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.274

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.93

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.294

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.33

[8] Hồ Chí Minh: tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.3, tr.139

[9] Hồ Chí Minh: tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.3, tr.140

[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, t.2, tr.289

[11]Hồ Chí Minh: Sđd, t.2, tr.289

[12]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.356

[13] Hồ Chí Minh (2011),sđd, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.356

[14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.29

[17] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr357-358

[18] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 284

[19] Sđd, tr. 362

[20] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr 313

0 vote
Bài mới hơn
Quảng cáo
  • 60 nam
  • 60 nam
  • admin1
  • admin1
  • thông báo tuyển sinh
  • thông báo tuyển sinh
  • Công chức
  • Công chức
  • Hành chính công
  • Hành chính công
  • Công báo quảng ninh
  • Công báo quảng ninh
  • Văn bản pháp luật
  • Văn bản pháp luật
Video
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Tin mới
  • Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024
  • Chi đoàn tổ chức kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí MinhChi đoàn tổ chức kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
  • TIN HỘI NGHỊ  SƠ KẾT CÔNG TÁC NĂM HỌC 2023-2024TIN HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC NĂM HỌC 2023-2024
  • SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ THÁNG 3 NĂM 2024SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ THÁNG 3 NĂM 2024
  • TOẠ ĐÀM “ĐẢNG VỚI THANH NIÊN – THANH NIÊN VỚI ĐẢNG”TOẠ ĐÀM “ĐẢNG VỚI THANH NIÊN – THANH NIÊN VỚI ĐẢNG”
Tin tiêu điểm
Tin đọc nhiều
Website liên kết
Website liên kết
Fanpage
Thống kê truy cập
Đang online: 0
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Tháng này: 0
Tháng trước: 0
Tất cả: 0