ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ Ở CƠ SỞ

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ Ở CƠ SỞ

     Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Đường cách mệnh dẫn câu nói nổi tiếng của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”

Quán triệt quan điểm trên, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác lý luận chính trị, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 20/4/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị căn cứ vào nội dung của Nghị quyết để xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn triển khai Nghị quyết Đại hội XII, khẩn trương cập nhật bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận chính trị sát với từng đối tượng cụ thể”.

Có thể khẳng định, giảng viên là người có vai trò quan trọng trong việc định hướng phương pháp học tập cho học viên. Để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên, người giảng viên cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy học viên làm trung tâm. Phương pháp giảng dạy của giảng viên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bài giảng của giảng viên và kết quả học tập của học viên trên lớp.

Đổi mới phương pháp giảng dạy là việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới (phương pháp giảng dạy tích cực) kết hợp ứng dụng các phương tiện công nghệ hiện đại thay vì chỉ sử dụng phương pháp truyền thống là thuyết trình nhằm hỗ trợ hiệu quả cho quá trình dạy và học. “Phương pháp giảng dạy tích cực” gồm hệ thống các phương pháp khác nhau (như phương pháp Chuyên gia, Sàng lọc, Lấy ý kiến ghi lên bảng, Hỏi đáp, Bể cá vàng...).Việc kết hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy đó giúp cho việc giảng dạy của giảng viên sinh động, phong phú hơn với nhiều tình huống, vấn đề để giảng viên và học viên thảo luận, trao đổi và làm rõ các nội dung nghiên cứu, nhằm đem lại buổi học có chất lượng cao. Với phương pháp này, người học có vị trí trung tâm, giảm tình trạng giảng viên độc thoại và tăng cường đối thoại giữa giảng viên và học viên, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Cách thức này thực sự đã tạo ra động lực để nâng cao tính năng động, tích cực, sáng tạo của người học.

Việc kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau nhằm đem lại hiệu quả cao hơn và tránh một chiều, áp đặt; mặt khác khiến học viên không còn thụ động tiếp nhận thông tin và tri thức từ phía giảng viên. Học viên được cuốn vào quá trình tự nhận thức, tìm đến những tri thức đúng thông qua việc thảo luận, trao đổi với nhau và với giảng viên. Đây chính là ưu điểm lớn mà những phương pháp giảng dạy tích cực mang lại.

Tuy nhiên, dù với nhiều ưu điểm vượt trội, những phương pháp giảng dạy tích cực vẫn không thể thay thế hoàn toàn cho phương pháp giảng dạy truyền thống (phương pháp thuyết trình). Trong quá trình giảng dạy, phương pháp thuyết trình vẫn luôn có một vị trí trung tâm. I.U Lipp - nhà sư phạm người Đức đã nói rằng: “nếu như phải giảm thiểu tất cả các phương tiện và phương pháp, tôi xin giữ lại tấm bảng đen và những lời thuyết trình”. Do đó, có thể khẳng định, những nhận thức cho rằng đổi mới phương pháp giảng dạy bằng việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực là loại bỏ hoặc thay thế hoàn toàn phương pháp giảng dạy thuyết trình truyền thống là một ý kiến không đúng. Thuyết trình vẫn là phương pháp nền tảng đóng vai trò trụ cột trong quá trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy tích cực đóng vai trò hỗ trợ cho người giảng viên trong quá trình truyền thụ kiến thức.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc dạy học đó là phải xác định rõ ràng và đúng đối tượng giảng dạy. Mỗi một lớp học, khóa học hay hệ học thường dành cho những đối tượng khác nhau. Căn cứ vào những đặc điểm của mỗi loại đối tượng để chủ thể giảng dạy có thể hoạch định nên những nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cũng cần thiết xuất phát từ việc tìm hiểu, xác định những đặc điểm, đặc thù cơ bản của đối tượng học viên này.

Thứ nhất, độ tuổi của học viên khá lớn. Để trở thành một cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, người cán bộ phải trải qua một quá trình phấn đấu, rèn luyện và kinh qua nhiều vị trí và thời gian công tác.Vì vậy, tuổi đời của học viên thường khoảng 40 tuổi trở lên. Tương ứng với điều này là sức khỏe, sự năng động cũng không như các đối tượng học viên trẻ tuổi. Quá trình nhận thức (học tập, lĩnh hội tri thức mới) cũng bắt đầu kém nhanh nhạy. Trong học tập, họ thường có xu hướng muốn lắng nghe hơn là tranh luận sôi nổi. Trong lớp học, các học viên này cũng ít muốn di chuyển hay việc tham gia các hoạt động cũng bắt đầu có sự hạn chế. Thêm vào đó, sức khỏe, thính giác, thị lực cũng ít nhiều giảm sút.

Từ những đặc điểm này, người giảng viên khi lên kịch bản đứng lớp (kế hoạch bài giảng) cần thiết phải lưu ý cả hai vấn đề. Thứ nhất, việc dùng phương pháp thuyết giảng/ thuyết trình liên tục sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi và dẫn đến việc học viên khó tiếp thu toàn bộ nội dung bài học. Thứ hai, nếu việc áp dụng các phương pháp tích cực không phù hợp với đặc điểm nêu trên thì cũng sẽ không đưa lại kết quả như mong đợi. Ví dụ như một trường hợp học giảng viên sử dụng phương pháp sàng lọc, nội dung phiếu rất hay, việc sàng lọc rất phù hợp với nội dung bài giảng. Tuy nhiên, vì các phiếu viết trên những mảnh giấy nhỏ, được dán lên bảng, khiến ngay cả những người ngồi ở bàn đầu của lớp học cũng không thể đọc được những nội dung ghi trên giấy. Hay trong một số trường hợp, nếu giảng viên thường xuyên yêu cầu các học viên dịch chuyển chỗ ngồi nhiều lần trong giờ học cũng sẽ khiến họ mệt mỏi và dẫn đến học viên cảm thấy miễn cưỡng. Điều này cũng dẫn đến hiệu quả của bài giảng không cao.

Một kinh nghiệm khi áp dụng các phương pháp tích cực tại các lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ở cơ sở là không lạm dụng quá nhiều phương pháp tích cực hoặc sử dụng một phương pháp nhiều lần trong buổi học. Những phương pháp tích cực nêu trên chỉ phát huy được hiệu quả khi được vận dụng hợp lý và linh hoạt. Một phương pháp dù “tích cực” và tối ưu nhưng nếu lặp đi lặp lại liên tục sẽ trở thành nhàm chán và phản tác dụng.

Thứ hai, các đối tượng học viên là những người có địa vị xã hội nhất định. Điều này dẫn đến hai điểm cần lưu ý khi giảng dạy. Một là, các học viên lãnh đạo có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Bởi vậy, khi áp dụng các phương pháp như hỏi - đáp, làm việc nhóm... giảng viên cần thận trọng khi chọn lựa và nêu vấn đề để học viên trả lời hoặc làm việc nhóm. Trong nhiều trường hợp, nếu không chuẩn bị tốt câu hỏi, thì sẽ trở nên quá dễ, hời hợt, nông cạn  - thậm chí sẽ bị đánh giá là ngây ngô, không phù hợp đối tượng, khiến học viên có cảm giác bị đánh giá thấp. Hai là,ở bình diện ngược lại, do đã có địa vị xã hội, không ít người rất ngại bị chỉ định phát biểu vì sợ trả lời không đúng... Thực tế, cũng cần xem đây là một tâm lý bình thường và cần được cảm thông, chia sẻ. Điều này nhắc nhở giảng viên khi nào nên phát vấn, và phải thật tinh tế, cân nhắc trước khi mời học viên trả lời.

Một số kinh nghiệm khi giảng dạy những lớp đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở đó là, trong quá trình giảng dạy, giảng viên nên chọn ra một số “nhân vật” trung tâm để lôi cuốn các học viên khác cùng tham gia. Bao giờ cũng vậy, trong một lớp học đông người, sẽ có sự khác biệt và đa dạng về tâm lý, tính cách. Do vậy, người giảng viên phải tinh tế, nhận ra những người thuộc nhóm đầu, đưa họ nhập cuộc trước và thông qua đó tạo ra không khí chung của toàn lớp học để tiến hành buổi làm việc.

Thứ ba, học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ở cơ sở thường bị chi phối bởi nhiều công việc và các mối quan hệ. Ngoài sắp xếp thời gian đến lớp, họ phải giải quyết công việc cơ quan nên việc tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm, đọc lại... các nội dung của buổi giảng là điều rất khó khăn. Với thực tế này, bài toán đặt ra cho các giảng viên là: làm thế nào để có thể giúp học viên nắm bắt đúng, đầy đủ các tri thức, nội dung chương trình ngay tại lớp học.

Để tháo gỡ vấn đề này, người giảng viên cần chú trọng trong việc soạn bài giảng, chuẩn bị tốt những nội dung cốt lõi nhất mà học viên cần ghi nhớ ngay trong buổi học. Giảng viên nên tránh dàn trải nội dung, thiếu trọng tâm hoặc trình bày quá nhiều kiến thức khiến học viên bị “bội thực” và không thể nhớ hết. Không những vậy, vấn đề “neo chốt” sau từng nội dung, từng buổi học cũng cần được giảng viên chú trọng, có sự tính toán kỹ lưỡng. Bằng nhiều hình thức như hình ảnh, sơ đồ hóa, video..., giảng viên rút ra, chốt lại các ý chính (số lượng các vấn đề) để học viên nắm bắt, ghi nhớ tại chỗ.

Thứ tư, các lớp học dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở mở tại địa phương (tại chức) có đặc điểm là số lượng đông và cơ sở vật chất phục vụ học tập còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thông thường mỗi lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở có khoảng 70 - 80 học viên. Số lượng học viên đông khiến việc áp dụng một số phương pháp giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, nguyên tắc của phương pháp Phỏng vấn nhanh là hỏi khoảng 1/3 đến 1/2 số lượng học viên trong lớp học để đưa ra kết luận. Hoặc đối với phương pháp Làm việc nhóm, nếu chia lớp ra 4 nhóm thông thường thì số lượng thành viên mỗi nhóm quá nhiều (trên 20 người). Với số lượng như vậy sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người không làm gì và người trưởng nhóm khó có thể điều hành tốt các thành viên. Nếu chia lớp thành nhiều nhóm sẽ hạn chế mức độ quán xuyến, hướng dẫn của giảng viên và giảm thời gian trình bày của các nhóm.

Về cơ sở vật chất phục vụ học tập, lớp học tại chức thường được tổ chức tại một hội trường lớn. Cơ sở vật chất phục vụ cho học tập, giảng dạy ở những lớp học này còn hạn chế như bàn ghế cố định, khó di chuyển. Với số lượng hơn 100 học viên, các phương pháp làm việc nhóm, cần nhiều sự di chuyển không còn phù hợp và làm giảm hiệu quả của các phương pháp này.

Trong trường hợp này, giảng viên nên sử dụng các phương pháp như Phát vấn, Chuyên gia, Hỏi - đáp hoặc Lấy ý kiến ghi bảnglà hợp lý nhất. Đặc biệt, cần chú trọng phương pháp Chuyên gia- bởi như trên đã nêu, trong lớp học thường có những người chuyên sâu (cả tri thức lẫn thực tiễn) trong một số lĩnh vực nhất định. Việc mời họ đóng vai chuyên gia để tạo không khí sôi nổi cho lớp học, vừa có được những kiến thức thực tiễn, sát với tình hình địa phương đang giảng dạy. Một số phương pháp khác như Làm việc nhóm, Bể cá vàng... vẫn có thể áp dụng nhưng không nên lạm dụng nhiều và đòi hỏi có sự linh hoạt cao của giảng viên.

Có thể thấy, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, đặc biệt cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội và phải trở lại phục vụ, giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, do đó đòi hỏi phương pháp dạy và học lý luận chính trị cũng phải rất thực tiễn và không ngừng được đổi mới. Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; gợi mở, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, đối thoại có trách nhiệm giữa giảng viên và học viên, kết hợp với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại... tiếp tục được xem là giải pháp hữu ích./.

Nguyễn Đức Phương, Giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ

0 vote
Bài mới hơn
Quảng cáo
  • 60 nam
  • 60 nam
  • admin1
  • admin1
  • thông báo tuyển sinh
  • thông báo tuyển sinh
  • Công chức
  • Công chức
  • Hành chính công
  • Hành chính công
  • Công báo quảng ninh
  • Công báo quảng ninh
  • Văn bản pháp luật
  • Văn bản pháp luật
Video
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Tin mới
Tin tiêu điểm
Tin đọc nhiều
Website liên kết
Website liên kết
Fanpage
Thống kê truy cập
Đang online: 0
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Tháng này: 0
Tháng trước: 0
Tất cả: 0