DẤU ẤN CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG

DẤU ẤN CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG

          Đại hội toàn quốc của Đảng là mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa” Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG, 2002,t10,tr 117,119

          Sau gần 10 năm dưới sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Nguyễn Ái Quốc Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam từ ngày 6/1 đến 7/2/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản. Như những dòng sông nhỏ hợp thành dòng chảy lớn Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lần đâu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một tổ chức với đường lối cách mạng đúng đắn đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hội nghị hợp nhất mang tầm vóc của Đại hội thành lập Đảng.

          Từ khi thành lập đến nay Đảng ta đã trải qua 13 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định những thắng lợi, thành tựu, đúc rút kinh nghiệm cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

          1. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I: Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu thay mặt gần 6.000 đảng viên đang hoạt động ở trong nước và ngoài nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương bao gồm 13 đồng chí. Đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư.

          Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố trắng, dã man đối với phong trào cách mạng trong nước, nhằm dập tắt ý chí đấu tranh của nhân dân ta và xoá bỏ sự tồn tại của Đảng. Trước yêu cầu của thực tiễn Đảng đã kịp thời đưa ra chủ trương: Củng cố và phát triển các tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến ngoài nước. Tích cực khôi phục phong trào đấu tranh trong quần chúng.

          Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự khôi phục các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước. Đây là điều kiện cơ bản và cần thiết để Đảng bước vào một thời kỳ đấu tranh mới với đội ngũ cán bộ đã được tôi luyện.

          2. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II: Từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức thay mặt cho 766.349 đảng viên trong cả nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương bao gồm 29 đồng chí. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.

          Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, phát triển đường lối kháng chiến và đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.

          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II đánh dấu sự trưởng thành của Đảng trong quá trình lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, tạo điều kiện quan trọng để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

          3. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III: Từ ngày 05 đến ngày 10/9/1960 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và dự khuyết thay mặt cho 50 vạn đảng viên trong cả nước. Đại hội Bầu Ban Chấp hành Trung ương bao gồm 47 đồng chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

          Đại hội đã tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng. Nêu lên những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đại hội đã xác định nhiệm vụ cách mạng của hai miền Nam, Bắc trong bối cảnh mới: miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam đấu tranh thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Hai miền cùng thực hiện mục tiêu chung là hòa bình thống nhất Tổ quốc.

          Đại hội lần thứ III của Đảng là Đại hội hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

          4. Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV: Từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 tại Hà Nội với sự tham dự của 1.008 đảng viên thay mặt hơn 1,55 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng bao gồm 101 ủy viên chính thức, 32 ủy viên dự khuyết. Dự Ðại hội có 29 đoàn đại biểu quốc tế. Đồng chí Lê Duẩn được bầu là Tổng Bí thư của Ðảng.

          Đại hội đã vạch ra đường lối xuyên suốt giai đoạn này là thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, cải tạo xã hội chủ nghĩa, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…Đại hội quyết định đổi tên Đảng lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm.

          Đại hội lần thứ IV của Đảng là Đại hội có ý nghĩa quan trọng, hoạch định đường lối khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

          5. Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V : Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982 tại Hà Nội. Dự Ðại hội có 1.033 đại biểu đại diện cho hơn 1.727.000 triệu đảng viên trong cả nước. Bầu Ban Chấp hành Trung ương bao gồm 116 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

          Đại hội đã xác định 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Đại hội lần thứ thứ V là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc tập hợp ý kiến của toàn Đảng, toàn dân nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt, nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu một bước mới về sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định mục tiêu duy nhất của Đảng là “tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”

          6. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI: Từ ngày 15 đến 18/12/1986 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1.9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

          Đại hội đề ra đường lối đổi mới đất nước, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế.

          Đại hội VI của Đảng đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng XHCN ở nước ta. Đại hội thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của một Đảng cầm quyền.

          7. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII: Từ ngày 24 đến 27/6/1991 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho hơn 2 triệu 155 nghìn đảng viên trong toàn Đảng. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

          Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, thách thức. Chế độ XHCN đã sụp đổi ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã tác động không nhỏ đế tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đại hội lần thứ VII của  Đảng đã khẳng định kiên định con đường đã lựa chọn đi lên CNXH. Đây là Đại hội đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đại hội cũng đã thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng.

           Đại hội VII của Đảng  có ý nghĩa quan trọng không chỉ quyết định những vấn đề trước mắt mà cả những bước đi của giai đoạn tiếp theo cho đất nước tiến lên con đường CNXH.

             8. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII: Từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/1996 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đồng chí Đỗ Mười được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng.

          Đại hội Tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Định ra mục tiêu phấn đấu đất nước đến năm 2000.

           Đại hội VIII của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

         9. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: Từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001 với sự tham gia của 1.168 đại biểu đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

       Đây là Đại hội Đảng đầu tiên chỉ rõ mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN.

        Đại hội khẳng định phải coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đó là nhiệm vụ then chốt, là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng ta, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và thế giới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

        Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại đánh giá chặn đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đại hội đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mở đường cho nước ta bước vào thiên niên kỷ mới.

      10. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: Từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006 tại Hà Nội với sự tham dự của 1.176 đại biểu đại diện cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đồng chí Nông Đức Mạnh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

        Đại hội kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, tổng kết 20 năm đổi mới, xác định mục tiêu phương hướng phát triển đất nước 5 năm tới. Đại hội đề ra quyết sách quan trọng “đảng viên được làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân”

       Đại hội lần thứ X của Đảng đã cổ vũ toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên tranh thủ thời cơ vượt qua thách thức tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, phát triển với tốc độ nhanh và bền vững.

      11. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Từ ngày 12 đến ngày 19/1/2011 tại Hà Nội với sự tham dự của 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

         Đại hội thảo luận, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); quyết định Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020; quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

        Là Đại hội tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Thành công của Đại hội XI tạo nên sự cổ vũ to cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt lên mọi khó khăn thách thức tranh thủ cơ hội mới phấn đấu vì mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

        12. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Từ ngày 20 đến 28/1/2016 tại Hà Nội với sự tham dự của 1.510 đại biểu được tổ chức thành 68 đoàn. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

          Đại hội XII lần đầu tiên Đảng ta thực hiện Đề án: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”. Đại hội chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

        Đại hội XII của Đảng là Đại hội đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

          13. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Từ ngày ngày 25/1 đến 2/2/2021 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu thay mặt cho 5,1 triệu đảng viên trong cả nước đông nhất trong 13 kỳ Đại hội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

           Đại hội đã đánh giá lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhiệm kỳ 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

          Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

           Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược, khát vọng cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế phát triển đất nước.

           Như vậy, trải qua chặng đường 91 năm từ khi thành lập gắn với 13 kỳ Đại hội, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều xác định những nhiệm vụ chính trị khó khăn, phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn và vĩ đại. Đó là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; là tiền đề quan trọng để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ths Nguyễn Thị Thu Hiền

0 vote
Bài mới hơn
Bài cùng chuyên mục
Quảng cáo
  • 60 nam
  • 60 nam
  • admin1
  • admin1
  • thông báo tuyển sinh
  • thông báo tuyển sinh
  • Công chức
  • Công chức
  • Hành chính công
  • Hành chính công
  • Công báo quảng ninh
  • Công báo quảng ninh
  • Văn bản pháp luật
  • Văn bản pháp luật
Video
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Tin mới
Tin tiêu điểm
Tin đọc nhiều
Website liên kết
Website liên kết
Fanpage
Thống kê truy cập
Đang online: 0
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Tháng này: 0
Tháng trước: 0
Tất cả: 0